2011/02/20

Ngày tận thế 2012: khoa học hay sự tưởng tượng?

1. Ngày tận thế và các căn cứ tôn giáo, văn hóa
Ngày tận thế 2010 dựa vào dự đoán của người Maya về sự kết thúc đại lịch của họ. Theo quan niệm của người Maya, một dân tộc đã từng làm nên một nền văn minh rực rỡ ở Trung Mỹ thời cổ đại, thì ngày 21/12/2012 sẽ là ngày kết thúc chu trình lịch thứ 13, kỉ thứ 4 – đó là ngày tận thế để sau đó thế giới sẽ mở ra một chương mới. Sự kiện về ngày tận thế không phải chỉ có người Maya đưa ra mà Kinh thánh của Thiên chúa giáo cũng đề cập đến sự kiện này. Tuy nhiên chỉ có người Maya chỉ rõ thời gian cụ thể của sự kiện và hơn nữa người Maya rất giỏi về thiên văn và tính toán lịch nên việc họ đưa ra một thông tin về một sự kiện quan trọng như thế đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Họ đã tính được độ dài của một tháng âm lịch là 29,53025 ngày, chênh lệch 34 giây so với con số mà khoa học ngày nay tính được và chính xác hơn nhiều so với hệ lịch Gregory mà chúng đã đã dùng 500 năm nay. Ngoài việc kết thúc chu trình lịch thứ 13, tiên đoán của người Maya cho năm 2012 là: ban ngày sẽ kết thúc, bóng đêm bao trùm trái đất; loài người không phải bị tiêu diệt mà bước vào một thời kì phát triển mới, trở nên khôn ngoan hơn.

Lịch của người Mayan

Sách Khải huyền 16:13-16 trong Kinh thánh cũng đề cập đến Trận chiến cuối cùng trên đỉnh đồi hư cấu Armageddon nhìn xuống đồng bằng Megiddo ở Israel. Tại đó sẽ xảy ra trận đánh kết thúc mọi trận đánh giữa một bên là những người chấp nhận Chúa Jesus và một bên không chấp nhận Chúa. Ngày tận thế sẽ là một trận đại hồng thuỷ dự kiến sẽ đến sau trận chiến đó. Tuy nhiên Kinh thánh không đề cập một cách trực tiếp đến thời gian cụ thể của ngày tận thế. Để biết được thời điểm chính xác thì phải chăng Kinh thánh mã hoá ở đâu đó? Gần đây, dựa trên một nghiên cứu của ba nhà toán học Do thái về việc phân tích các kí tự trong sách Sáng thế đăng trên một tạp chí khoa học rất uy tín [4], kết luận của cuốn sách bán chạy nhất thế giới “Mật mã kinh thánh II” [5] của M. Drosnin là “Thiên chúa sẽ huỷ diệt trái đất vào năm 2012”. Cách làm của các nhà khoa học trên là viết lại Sách Sáng thế và một số sách trong Kinh Cựu ước bằng tiếng Hebrew (tiếng Do Thái) liền mạch, không khoảng cách, không dấu chấm câu giống như các văn bản kinh thánh lúc đầu được sao chép sau đó họ sử dụng máy tính để tìm các câu từ có ý nghĩa. Bản chất của việc này là một trò chơi đố chữ khổng lồ trong đó các kí tự chính là nội dung sách Sáng thế được viết bằng tiếng Hebrew được xếp thành một cột có chiều rộng là 33 kí tự [6]. Ngoài thông tin về ngày tận thế, Mật mã kinh thánh còn đưa ra nhiều thông tin khác như tên của 66 nhà khoa học tài năng xuất hiện trong đó. Đặc biệt là sự kiện thủ tướng Israel, Rabin bị ám sát vào năm 1995. Drosnin đã cảnh báo việc này tới Rabin nhưng không có kết quả. Sau đó Rabin bị một sinh viên của ĐH Bar-Ilan (một trường đại học mộ đạo mà tôi đã có dịp công tác ở đó) tên là Amir ám sát. Tên của Amir sau đó cũng được tìm thấy ở một mã hoá gần đó. Phân tích của Drosnin về ngày tận thế vào năm 2012 (không chỉ rõ là ngày nào, tháng nào) có thể là một sự va chạm với sao chổi hoặc một vụ nổ đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cách xếp chữ để giải mã Kinh thánh

Ám ảnh về năm 2012 có lẽ là nguyên nhân để một số người cố gắng tìm kiếm các dấu hiệu từ các nền văn minh khác. T. McKenna đã bỏ nhiều thời gian để nguyên cứu Kinh dịch của Trung Quốc. Ông cho rằng 64 quẻ của Văn Vương tương ứng với bộ lịch âm 384 ngày đã từng được người Trung Quốc sử dụng. Mỗi quẻ có 6 hào, lấy 64 quẻ nhân với số hào sẽ ra số 384. Số này chính là tích của 29,53 (số ngày trong một tháng âm lịch) nhân với 13 (số tháng trong một năm âm lịch). McKenna tin rằng Kinh dịch biểu diễn dòng chảy thời gian, từ đó ông thiết lập biểu đồ các sự kiện lịch sử lớn trong đó các thời đại có trình độ đổi mới cao được biểu diễn bằng các đỉnh, các thời đại có trình độ đổi mới thấp nằm ở các lõm. Ông thấy rằng các điểm lồi lõm xuất hiện lặp đi lặp lại tuy nhiên tần số của của chúng tăng dần chứ không phải cố định. Ông gọi là các sóng thời gian [7]. Dựa trên các phân tích đó, McKenna đưa ra giả thiết về ngày kết thúc của thế giới vào 22/12/2012, chậm hơn 1 ngày so với dự đoán của người Maya.

Kalki Bhagavan, một nhà hoạt động tôn giáo nổi tiếng người Ấn Độ, tự xưng là hiện thân thứ 10 và cuối cùng của thần Vishnu (Vishnu, Brahma và Shiva là ba vị thần tối cao của Đạo Hindu) cũng thông báo rằng năm 2012 là năm khổ đau và nhiễu nhương của loài người nhưng sau đó thời hoàng kim sẽ bắt đầu. Kalki Bhagavan gắn dự đoán với chuyển động của Sao Kim. Từ trái đất có thể thấy Sao Kim chuyển động cắt ngang mặt trời ít nhất mỗi thế kỉ 2 lần. Lần cuối cùng nó chuyển động như vậy vào ngày 8/6/2004 và lần tiếp tới sẽ là ngày 6/6/2012. Theo truyền thuyết trong kinh Vệ Đà được người theo Ấn Độ giáo và Phật giáo tôn thờ thì sao Kim trong tiếng Phạn gọi là Shukra, có nghĩa là “tinh dịch”. Được coi là một người đàn ông bị nữ hoá, học được cách chống lại Chúa trời. Shukra được gán với tên của ngày thứ sáu trong tuần. Trong thần học Hindu, sao Kim quản số 6, do đó, việc sao Kim cắt ngang Mặt trời vào ngày 6/6/12 (chú ý: 12 = 6 + 6) sẽ gây biến cố lớn cho nhân loại.

Ở Việt Nam, sự kiện ngày tận thế 2012 cũng được nghiên cứu tương tự như trên. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là nhà tiên tri bậc nhất đã tiên đoán về sự kiện năm 2012. Trong đoạn sấm Trạng Trình có câu: “Long Vĩ Xà đầu khởi chiến tranh, Can qua xứ xứ khởi đao binh”. Sự kiện xảy đúng với năm mà sấm kí mô tả: Long vĩ là đuôi rồng, tức cuối can là Nhâm Thìn (năm 2012), Xà đầu là đầu năm Quý Tị, tức là năm 2013 xảy ra chiến tranh dẫn đến loạn lạc, can qua. Còn nhớ cuối năm Canh Thìn (năm 2000), Xà đầu là đầu năm Tân Tị, tức là năm 2001 xảy ra cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 đẫm máu. Đây là lần đầu tiên lãnh thổ Hoa Kì bị người ngoài tấn công từ khi lập nước.

2. Ngày tận thế và các căn cứ khoa học
Các hiểm họa đe dọa đến sự tồn vong của con người rất nhiều. Chúng có thể đến từ nơi xa xôi nào đó trong vũ trụ rộng lớn, từ mặt trời, từ hoạt động liên tục của vật chất trong lòng trái đất, thậm chí nó có thể đến từ chính bản thân con người qua các hoạt động chiến tranh hoặc sự ngu dốt.

Các hiểm họa, khi đã xảy ra, sẽ dẫn đến sự tiêu diệt gần như tức thời và hàng loạt của các loài sinh vật. Vậy khoa học đã có bằng chứng nào về điều này chưa? Năm 2001, hai nhà vật lí ở ĐH Bekerley là R. A. Rohde và R. A. Muller đã công bố trên tạp chí Nature những bằng chứng tin cậy về sự tuyệt chủng hàng loạt đã xảy ra thường xuyên và có quy luật với chu kì 62 - 65 triệu năm một lần [9]. Lần gần đây nhất là vụ tuyệt chủng của loài khủng long cách đây 65 triệu năm. Chúng ta đang hoặc sắp đến gần thời hạn tới cho lần tuyệt chủng tiếp theo trên trái đất. Sự tuyệt chủng này có liên hệ đến ngày tận thế chăng?

Một ví dụ về hiểm họa đến từ trái đất, với quy mô lớn hơn có thể gây tuyệt chủng hàng loại là đợt sóng thần đã cướp đi 230.000 ngàn sinh mạng vào năm 2004 do động đất ở Ấn Độ Dương. Đó là một trong những hiểm họa thiên nhiên đến từ trái đất gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên nó sẽ không là gì nếu so sánh với siêu núi lửa Yellowstone, nằm phần lớn ở Bang Wyoming, Hoa Kì nếu nó hoạt động. Đây là núi lửa nguy hiểm nhất thế giới, nếu nó phát nổ thì toàn bộ khí quyển trên trái đất sẽ bị bao phủ bởi axit sulfuric, khói, bụi và đưa hành tinh của chúng ra vào mùa đông lạnh giá làm cho nền văn minh của con người quay trở lại điểm xuất phát. Các nghiên cứu cho thấy núi lửa này đã phun trào ít nhất 100 lần, trong đó 3 lần dữ dội có thể gây thảm hoạ cho một nửa trái đất chu kì phun trào từ 600-700 ngàn năm [8]. Lần phun trào gần đây nhất vào 640 ngàn năm trước. Theo chu kì đó thì chúng ta đang đợi chờ một trận bùng nổ tiếp theo. Một nghiên cứu gần đây của Nasa phát hiện một điểm nóng - ổ dung nham có kích thước to bằng thành phố Tokyo nằm dưới núi lửa này đang chực bùng nổ. Các tín hiệu cho thấy nó sắp bùng nổ là: ổ dung nham tăng khoảng 0,75 m kể từ 1992, đây là một con số cực lớn trong thước đo thời gian địa chất chỉ khoảng mm/thế kỉ; nó nằm cách mặt đất 20 km, chỉ bằng 1/10 so với độ sâu của các ổ dung nham khác, nếu thế thì một nhóm khủng bố đặt quả bom hạt nhân ở núi lửa này có thể kích hoạt sự phun trào; sự hoạt động của ổ dung nham mạnh đến mức làm chao đảo cả hồ Yellowstone ở trên nó về phía nam khiến cho nước trong hồ trào ra ngoài làm ngập cây cối ở vùng xung quanh.

Siêu núi lửa Yellowstone có thể gây ra sự hủy diệt trái đất?

Từ nhỏ chúng ta được dạy các kiến thức cơ bản về trái đất hình cầu và có lực hấp dẫn để con người có thể đi lại trên nó, bầu khí quyển có ô xy để con người hô hấp, tầng khí quyển có ô zôn để tránh tia cực tím,… tuy nhiên một kiến thức rất quan trọng đó là trái đất có từ quyển, một cái khiên che chở cho các loài sinh vật bên dưới khỏi sự bắn phá không ngừng của các tia vũ trụ thì hầu như không được dạy. Dù bạn có biết hay không thì cái khiên từ trường sinh ra bởi lõi kim loại từ tính nóng chảy trong nhân trái đất vẫn kiên trì gạt các hạt proton, và điện tử đến từ mặt trời thành những vành đai vô hại để bảo vệ chúng ta. Vấn đề ở chỗ là đường sức của từ trường trái đất hiện đang theo hướng bắc-nam sẽ đổi chiều ngược lại tức là theo hướng nam-bắc. Trong quá khứ, từ trường trái đất đã nhiều lần bị đảo. Nghiên cứu về mẫu lõi đá và trầm tích chỉ ra rằng lần đảo từ cuối cùng xảy ra cách đây 780 ngàn năm. Thời gian đảo cực từ kéo dài hàng trăm năm. Người ta phát hiện sự suy yếu của từ trường trái đất thời gian gần đây có thể là dấu hiệu của sự đảo từ trường. Trong quá trình đảo chiều bắc-nam thành nam-bắc thì sẽ có thời điểm trái đất có vô số cực từ như vậy la bàn sẽ chỉ mọi hướng, các loài sinh vật di chuyển dựa vào từ trường trái đất sẽ mất phương hướng không thể di chuyển đến nơi có thức ăn, cường độ các cơn bão, lốc xoáy tăng lên và đặc biệt là các sinh vật ở trái đất có thể bị ảnh hưởng bởi các tia vũ trụ. Đây là một hiểm họa gây tuyệt chủng hàng loạt.

Đảo chiều từ trường trái đất sẽ gây mất phương hướng cho sinh vật?

Mặt trời, ngôi sao duy nhất trong Thái dương hệ của chúng ta, là nguồn cung cấp năng lượng cho hầu hết các hoạt động của sinh vật trên trái đất đến một lúc nào đó lại là hiểm họa cho sự tồn tại của con người. Mặt trời là một lò phản ứng hạt nhân khổng lồ, ngoài việc phóng ra vô số các hạt, tia năng lượng bắn phá trái đất, mặt trời còn có một từ trường rất mạnh tạo ra từ sự chuyển động của khối plasma. Các biến động về từ trường mặt trời thể hiện bởi các cơn bão từ. Từ bên ngoài ta có thể quan sát bão từ bằng cách nhận diện các vết đen trên bề mặt của mặt trời. Vết đen là những vùng có kích thước lớn hơn trái đất và có nhiệt độ khoảng 1.500 C, thấp hơn nhiều nhiệt độ 5.800 C ở vùng xung quanh nên chúng tối hơn. Số lượng các vết đen thể hiện mức độ biến động của từ trường mặt trời với chu kì 11,2 năm. Tức là phải mất 5-6 năm để đi từ điểm cực đại này đến điểm cực tiểu khác. Số lượng vết đen đạt cực tiểu hoặc cực đại đều liên quan đến hoạt động mạnh của mặt trời, và vì thế ảnh hưởng đến trái đất. Năm 2005 là năm hoạt động mạnh của mặt trời với các vụ phun trào hạt năng lượng cao kỉ lục cũng đồng thời cũng là năm xảy ra nhiều thiên tai khủng khiếp, ví dụ trận bão Katrina và ngay sau đó là những trận bão lớn khác như Rita, Stan, Wilma làm cho mùa mưa bão năm 2005 là mùa mưa bão vô địch trong các mùa mưa bão. Mưa bão ở một số nơi này nhưng hạn hán và nóng bỏng ở một số nơi khác, năm 2005 cũng là năm nóng và khô hạn kỉ lục trong lịch sử trái đất. Đến năm 2012, tức là năm theo chu kì mặt trời lại hoạt động dữ dội hơn đợt trước từ 30-50%, [10] chúng ta chuẩn bị đón chờ những diễn biến thiên nhiên khắc nghiệt sẽ xảy ra với trái đất. Hơn nữa từ trường của mặt trời cũng bị đảo chiều giống trái đất nhưng với tần suất cao hơn nhiều với chu kì 20 năm. Dự kiến lần đảo chiều tiếp theo sẽ xảy ra vào năm 2012. Việc mặt trời phóng tia năng lượng cao, kết hợp với từ trường trái đất bị yếu đi do bắt đầu quá trình đảo từ có thể gây ra ngày tận thế chăng?

Các hiểm hoạ với trái đất không chỉ giới hạn trong vùng không gian của hệ mặt trời mà có thể mở rộng trong vùng không gian của Ngân hà. Hệ mặt trời nằm ở vùng rìa của dài Ngân hà. Và cũng như các phần khác của dải Ngân hà, hệ mặt trời chuyển động cùng thiên hà của chúng ta. Trong khi chuyển động trong vùng không gian vô tận đó, thỉnh thoảng hệ mặt trời phải đối mặt với những nhiễu loạn của tia vũ trụ còn gọi là các đám năng lượng liên sao, tàn dư của một vụ nổ của ngôi sao nào đó trước đây. Các nghiên cứu của Alexey Dmitriev, một nhà vật lí thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, khi phân tích dữ liệu của phi thuyền Voyager 1 (hiện đang ở rìa của hệ mặt trời) cho thấy hệ mặt trời đang đi vào vùng nhiễu loạn thì, giống như tàu con thoi lao vào khí quyển, toàn bộ hệ mặt trời, trong đó có cả trái đất, sẽ nóng lên và gây những biến đổi bất thường trong lòng mặt trời. Theo nhà khoa học này các hoạt động bất thường gần đây của mặt trời có liên quan đến việc hệ mặt trời đang đi vào vùng có các đám năng lượng liên sao. Mà bất kì cái gì gây nhiễu loạn đến mặt trời sẽ làm nhiễu loạn đến chúng ta. Muller tác giả của bài báo nói về tuyệt chủng hàng loạt của các loài [9] đưa ra giả thuyết gần giống Dmitriev. Ông cho rằng hệ mặt trời đi qua một khu vực trong dải ngân hà có mật độ hấp dẫn cao khác thường (chứ không phải đám mây năng lượng liên sao) với chu kì 62-65 triệu năm. Mặt trời sẽ che lấp tầm nhìn từ trái đất đến tâm của dải Ngân hà (giả thiết là một hố đen khổng lồ) sự chuyển động của các tiểu hành tinh sẽ rối loạn và có thể va chạm với trái đất dẫn đến ngày tận thế.

3. Liệu ngày tận thế sẽ xảy ra?
Như trên đã trình bày, chúng ta có thể thấy các căn cứ khoa học cho biết có khả năng sự diệt chủng hàng loạt có thể xảy ra nhưng xác suất rất nhỏ. Chu kì diệt chủng từ 62-65 triệu năm cũng có thể xê dịch hàng triệu năm. Thời gian đó đủ lớn để loài người có thể tiến hoá tìm nơi cư trú đâu đó trong vũ trụ. Mối quan ngại về ngày tận thế từ hoạt động của con người thực ra lại rất có thể đang xảy ra với xác suất cao hơn nhiều. Ví dụ về thảm hoạ chiến tranh hạt nhân, một số nhóm khủng bố sử dụng vũ khí hạt nhân, đặc biệt là hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nếu nhân loại không ra tay ngay lập tức thì lượng khí CO2 sẽ vượt ngưỡng 350 ppm và hiện tượng nóng lên toàn cầu hầu như không thể đảo ngược được, nói cách khác, ngày tận thế chắc chắn sẽ xảy ra với chúng ra. Bất kì cá nhân nào cũng có thể đóng góp công sức ngăn chặn điều đó. Với một hành động nhỏ là tắt một bóng đèn không cần thiết, tiết kiệm chút nước khi sử dụng, thực hiện sinh đẻ hạn chế sự gia tăng dân số,… đều có thể ngăn chặn hoặc ít nhất kéo dài thời điểm đến ngày tận thế.

Hành động nhỏ của các bạn có thể giúp tránh được ngày tận thế do chính chúng ta gây ra.

Nguyễn Hoàng Hải

Tham khảo
1. L. E. Joseph, Ngày tận thế 2012, NXB Thời đại 2010
2. http://2012apocalypse.net/
3. http://www.2012.vn
4. Doron Witztum, Eliyahu Rips, Yoav Rosenberg, Equidistant letter sequences in the Book of Genesis, Statistical Science 9 (1994) 429–438. doi:10.1214/ss/1177010393
5. Drosnin, Michael (2001-09-11). Bible Code II: The Countdown - Google Books. Books.google.com. ISBN 9780142003503.
6. http://en.wikipedia.org/wiki/Bible_code#Criticism_of_Michael_Drosnin
7. The Invisible Landscape: Mind, Hallucinogens, and the I Ching (with Dennis McKenna) (Seabury; 1st Ed) ISBN 0-8164-9249-2; http://en.wikipedia.org/wiki/Novelty_Theory
8. http://pubs.usgs.gov/pp/pp729g/
9. Robert A. Rohde & Richard A. Muller, Nature 434 (2005) 208.
10. Dikpati, M., G. de Toma, and P. A. Gilman (2006), Predicting the strength of solar cycle 24 using a flux‐transport dynamo‐based tool, Geophys. Res. Lett., 33, L05102, doi:10.1029/2005GL025221.