2005/05/30

Sơ lược về nông thôn Việt Nam


xem bài của Zạ Trạch đăng trên từ điển bách khoa Wikipedia

Nông thôn Việt Nam là danh từ để chỉ những vùng đất trên lãnh thổ Việt Nam, ở đó, người dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp.

Ở Việt Nam, cho đến ngày nay, có đến 80% dân số sống ở vùng nông thôn. Con số đó lớn hơn nhiều ở những năm trước. Chính vì thế cuộc sống và tổ chức nông thôn ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến toàn xã hội. Ngay cả nhiều bà con sống ở nước ngoài, ở những nước văn minh, tiên tiến nhất thế giới, vẫn giữ những nét đặc biệt của nông thôn Việt Nam.

Tổ chức nông thôn Việt Nam
Xét về mặt tổ chức xã hội, làng xã và quốc gia Việt Nam là hai đối tượng quan trọng nhất đối với người Việt và được tổ chức chặt chẽ nhất. Chính vì thế mà người Việt thường nói làng với nước đi đôi với nhau. Các hệ thống trung gian như huyện, tỉnh không có vai trò quan trọng đáng kể.

Tổ chức nông thôn theo huyết thống: gia đình và gia tộc
Ở nông thôn Việt Nam, gia tộc đóng vai trò rất quan trọng. Nếu phương tây coi trọng vai trò của cá nhân thì phương đông coi trọng vai trò của gia đình và gia tộc. Nhưng nếu xét ở phương đông với nhau, Trung Quốc xem gia đình nặng hơn gia tộc thì ở Việt Nam, gia tộc lại quan trọng hơn gia đình. Mỗi gia tộc đều có trưởng họ (hay còn gọi là tộc trưởng), nhà thờ họ, gia phả, giỗ họ,...

Ở nhiều làng, hầu hết dân cư ở làng đó đều có quan hệ họ hàng với nhau. Việc đó còn lưu lại dấu ấn trong tên của rất nhiều làng hiện nay như: làng Đặng Xá (xá = nơi ở, Đặng Xá là làng của họ Đặng), Châu Xá, Lê Xá,... Tương truyền Chử Đồng Tử sinh ra ở làng Chử Xá, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ở Tây Nguyên còn phổ biến tình trạng các thế hệ của một gia tộc sống tập trung trong một mái nhà dài, bên trong nhà đó được chia thành từng ngăn nhỏ cho các gia đình. Một nhà như thế có thể chứa đến hơn trăm người. Còn ở phần lớn miền quê Việt Nam hiện nay vẫn có tình trạng một gia đình có đến ba (tam đại đồng đường), bốn (tứ đại đồng đường) cùng chung sống.

Vì gia tộc có vai trò quan trọng nên tôn ti của từng người cũng rất được coi trọng. Ở Việt Nam hệ thống tôn ti trong gia tộc được phân biệt rất chi li tới 9 thế hệ (gọi là cửu tộc):
Kỵ (forefather) Cụ (great-grandfather) Ông (grandfather) Cha (father) TÔI (I) Con (child) Cháu (grandchild) Chắt (great-grandchild) Chút (great-great-grandchild)

Trong khi đó ở các nước khác, ví dụ trong tiếng Anh, chỉ có ba đời, các đời trước và sau nữa chỉ thêm tiền tố vào một trong ba từ đó. Ngoài ra còn có những danh từ chỉ riêng những người họ hàng xa hơn như: chú (em trai của bố), cậu (em trai của mẹ), cô (em gái của bố), dì (em gái của mẹ), thím (vợ của chú), mợ (vợ của cậu), bác (anh chị của bố, mẹ). Tôn ti rất được tôn trọng, một người ít tuổi, xếp theo vai vế, có thể là ông của một người nhiều tuổi, Bé bằng củ khoai, cứ vai mà gọi (tục ngữ).

Tổ chức nông thôn theo địa bàn cư chú: xóm và làng
Nếu coi tổ chức nông thôn theo huyết thống là bước phát triển thứ nhất thì tổ chức nông thôn theo địa bàn cư chú là bước phát triển tiếp theo để hình thành nên làng và xóm, đơn vị tổ chức quan trọng nhất của nông thôn Việt Nam. Một làng gồm nhiều xóm gộp lại.

Ở nông thôn Việt Nam, việc tổ chức thành làng là cần thiết vì các lý do sau đây:

* Đối phó với môi trường tự nhiên: trồng lúa nước là nghề mang tính thời vụ rất cao, chính vì thế mọi người trong làng có thể giúp đỡ nhau lúc cần thiết.
* Đối phó với môi trường xã hội: chống trộm, cướp,...

Tổ chức nông thôn theo nghề nghiệp: phường và hội
Trong một số làng, một số dân cư hoặc phần lớn dân cư có một nghề nghiệp khác ngoài nghề nông. Những người có cùng nghề này tập hợp với nhau để tạo thành phường. Có rất nhiều phường với các loại nghề nghiệp khác nhau như: phường gốm, phường chài, phường mộc, phường chèo, phường tuồng,...

Bên cạnh phường, còn có hội, là tổ chức của những người có cùng sở thích, thú vui,... ví dụ: hội văn phả (các nhà Nho trong làng không ra làm quan), hội bô lão (các cụ ở trong làng), hội tổ tôm, hội vật,...

Các phường nghề sau này chuyển thành các tổ chức phường của đô thị.

Tổ chức nông thôn theo truyền thống nam giới: giáp
Giáp là hình thức tổ chức dựa trên truyền thống nam giới, nó xuất hiện khá muộn vào đời Lý Thánh Tông (1041) với mục đích là để tiện cho việc thu thuế. Giáp có các đặc điểm sau:

* chỉ có đàn ông mới được tham gia vào giáp
* có tính cha truyền con nối, cha ở giáp nào, con ở giáp ấy

Đứng đầu có ông cai giáp (câu đương), giúp việc cho cai giáp có ba ông lềnh (lềnh nhất, lềnh hai, lềnh ba). Giáp được chia thành ba hạng: ty ấu: từ nhỏ đến 18 tuổi; đinh (hoặc tráng): 18 đến 59 tuổi; lão: 60 tuổi trở lên.

Con trai, khi mới sinh được cha làm lễ để được vào giáp, lúc này nó thuộc hạng ty ấu. Vào giáp lúc này có quyền lợi là được chia phần khi làng có lễ hội. Đến 18 tuổi, người con trai phải làm lễ làng để lên đinh hoặc tráng (đinh = đứa, tráng = khỏe mạnh). Đinh, tráng có nghĩa vụ với làng (giúp đỡ trong các dịp lễ lạt, đình đám) và với nước (đóng sưu thuế, đi lính, đi phu). Về quyền lợi thì đinh, tráng được ngồi trên một chiếu nhất định trong kỳ họp hành, ăn uống, hoặc được nhận một phần ruộng công để cày, ngoài ra còn được thêm một phần hoa màu khi thu hoạch. Đến 60 tuổi (một số nơi còn hạ tuổi xuống còn 49, 50 hoặc 55), đàn ông được lên lão làng, đó là một vinh dự rất lớn, được mọi người nể trọng, xin ý kiến khi gặp khó khăn. Phần lớn các giáp được gọi tên theo vị trí, ví dụ: Thượng (trên), Hạ (dưới), Đông (phía đông), Đoài (phía tây).

Tổ chức nông thôn theo mặt hành chính: thôn và xã
Về mặt tổ chức hành chính thì nông thôn Việt Nam được chia thành các đơn vị cơ bản là xã, và thôn. Thông thường một xã gồm một làng nhưng cũng có xã gồm một vài làng. Mỗi thôn gồm một xóm, cũng có thôn gồm một vài xóm.

Về dân cư thì một thôn có hai loại:

* dân chính cư (còn gọi là nội tịch), là dân gốc của thôn, dân chính cư được hưởng nhiều quyền lợi hơn dân ngụ cư rất nhiều.
* dân ngụ cư (còn gọi là ngoại tịch), là dân ở nơi khác đến, những người dân này chỉ được làm một số nghề mà dân chính cư không muốn làm như: làm thuê, làm mướn, làm mõ,... trong khi vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ như dân chính cư. Dân ngụ cư thường bị khinh rẻ, coi thường. Dân ngụ cư muốn thành dân chính cư thì phải: cư chú ở làng hơn ba đời, có một ít điền sản.

Việc đối xử khắt khe đối với dân ngụ cư là một hình thức ngăn cản người ở làng này di chuyển sang làng khác nhằm duy trì sự ổn định của làng.

Dân chính cư được chia làm 5 hạng:

* Chức sắc gồm những người đỗ đạt hoặc có phẩm hàm vua ban
* Chức dịch gồm những người đang giữ những chức vụ nhất định trong bộ máy hành chính
* Lão (xem ở trên)
* Đinh (xem ở trên)
* Ty ấu (xem ở trên)

Ba hạng đầu gồm chức sắc, chức dịch và lão lập thành bộ phận quan viên hàng xã. Quan viên lại được chia thành ba nhóm theo lứa tuổi là kỳ mục, kỳ dịch, và kỳ lão:

* Kỳ mục là quan trọng nhất, có nhiệm vụ bàn bạc và quyết định các công việc của xã. Kỳ mục còn được gọi là hội đồng kỳ mục, do tiên chỉ và thứ chỉ đứng đầu; ở miền nam sau này, hội đồng kỳ mục được gọi là hội tề do hương cả đứng đầu.
* Kỳ lão gồm những người cao tuổi nhất, có vai trò làm tư vấn cho hội đồng kỳ mục.
* Kỳ dịch, hay còn gọi là lý dịch, thường do hội đồng kỳ mục cử ra, có nhiệm vụ thực thi quyết định của hội đồng kỳ mục. Đứng đầu nhóm lý dịch này là lý trưởng (còn gọi là xã trưởng); dưới đó có phó lý (giúp việc), hương trưởng (lo việc công ích), trương tuần (còn gọi là xã tuần, lo việc an ninh). Phương tiện quản lý chủ yếu là hai cuốn sổ là sổ đinh (quản lý nhân lực) và sổ điền (quản lý về kinh tế).

Đặc tính của nông thôn Việt Nam
Tính cộng đồng và tự trị
Việc làng xã Việt Nam được tổ chức theo huyết thống, địa bàn cư trú, truyền thống nam giới và hành chính như ở phần trên làm cho làng có tính cộng đồng và tự trị rất cao. Tính cộng đồng làm cho các thành viên trong làng đều hướng tới nhau, đó là đặc trưng hướng ngoại; còn tính tự trị làm cho các làng trở lên biệt lập với nhau, đó là đặc trưng hướng nội.

Tính biệt lập ở các làng mạnh đến nỗi mỗi làng có thể được coi như một quốc gia thu nhỏ với một "luật pháp riêng" được gọi là hương ước (lệ làng được ghi bằng văn bản) và luật tục (lệ làng được quy định bằng lời nói); và một "triều đình riêng" với hội đồng kỳ mục là cơ quan lập pháp, lý dịch là cơ quan hành pháp. Nhiều làng còn bầu bốn cụ cao tuổi là tứ trụ. Sự can thiệp của nhà nước phong kiến, và sau này của thực dân không làm ảnh hưởng nhiều đến tổ chức của làng xã. "Phép vua thua lệ làng" là một truyền thống thể hiện mối quan hệ dân chủ đặc biệt của nhà nước phong kiến với làng xã Việt Nam.

Cấu trúc của làng
Tính biệt lập còn được thể hiện ở lũy tre làng. Lũy tre làng bao trùm xung quanh làng. Đó là một thành lũy rất kiên cố, đốt không cháy, trèo không được, đào không qua. Điều này khác hẳn với các nước khác trên thế giới là dùng thành quách bằng đất đá. Việc trao đổi với thế giới bên ngoài thông qua cổng làng. Gần cổng làng thường có một cây đa, khói hương nghi ngút, đó là nơi hội tụ của thánh thần. Bên trong của làng có một cái đình, đó là biểu tượng của làng về mọi phương diện. Đình làng là:

* trung tâm hành chính: mọi công việc quan trọng đều diễn ra ở đây, hội đồng kỳ mục, lý dịch làm việc ở đây; thu sưu thuế tại đây; xử tội người vi phạm lệ làng cũng ở đây,...
* trung tâm tôn giáo: là nơi thờ thành hoàng làng.
* trung tâm tình cảm: là nơi trao đổi giao lưu, gặp gỡ của tất cả mọi người trong làng.

Ban đầu đình làng là nơi tụ tập của tất cả mọi người, sau này đó chỉ là nơi tụ tập của nam giới (giáp) trong làng. Phụ nữ chuyển đến chùa làng và giếng nước. Nhiều nơi người ta còn trả thù nhau bằng cách đóng cọc vào giữa giếng làng, người ta tin rằng làm như thế thì gái làng đó sẽ không chống mà chửa.

Ưu nhược điểm của làng Việt Nam
* Do tính tự trị cao mà làng có xu hướng nhấn mạnh vào tính dị biệt của làng. Tính dị biệt dẫn đến các hệ quả sau: "tự cung tự cấp", mỗi làng cố gắng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của làng; óc bè phái, cục bộ; óc gia trưởng, tôn ti,...

* Do tính cộng đồng cao mà làng Việt Nam có xu hướng nhấn mạnh vào tính đồng nhất, hệ quả của nó là: đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tính tập thể cao, dân chủ địa phương,... nhưng lại thủ tiêu vai trò cá nhân, tạo ra thói dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể và cào bằng, đố kị không muốn ai hơn ai.

Làng Nam bộ
Đến thời Nguyễn, việc khai phá đồng bằng nam bộ đã làm cho làng xã ở vùng này khác hẳn so với làng xã ở cùng đồng bằng bắc bộ. Sự khác biệt cơ bản nhất đó là tính mở ở các làng nam bộ cao hơn rất nhiều. Tính mở được thể hiện ở những điều sau đây:

* Làng không còn có lũy tre làng như là công cụ phân cách làng này với làng khác nữa.
* Làng không nhất thiết phải tồn tại mãi mãi, có làng được lập một cách nhanh chóng, những cũng có làng tan rã nhanh chóng.
* Giao thương buôn bán phát triển không còn bị gò bó ở tình trạng tự cung tự cấp.
* Tính tình người dân nam bộ cũng phóng khoáng hơn nhiều, dễ chấp nhận những ảnh hưởng từ bên ngoài.

Chính vì những đặc điểm đó mà trong thời kỳ kinh tế thị trường, người dân ở các tỉnh miền nam nhanh chóng thích nghi và phát triển kinh tế nhanh hơn các tỉnh miền bắc.

Tham khảo
Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc Văn hóa Việt Nam, NXB TPHCM 2001.
Trần Ngọc Thêm, Cơ sở Văn hóa Việt Nam, NXB TPHCM 1994.

2005/05/28

Sơ lược về nguyên tử

xem bài của Zạ Trạch đăng trên từ điển bách khoa Wikipedia

Nguyên tử là phần tử nhỏ nhất của vật chất mà có tính chất vật lý và hóa học đặc trưng. Mỗi loại nguyên tử tạo nên một nguyên tố. Mỗi nguyên tố có một nguyên tử số xác định. Đối với vật lý, nguyên tử chưa được coi là phần tử nhỏ nhất, các nhà vật lý còn tìm ra các thành phần nhỏ bé hơn của nguyên tử và xây dựng một Lý thuyết nguyên tử. Lý thuyết nguyên tử là lý thuyết về bản chất của tự nhiên. Lý thuyết đó phát biểu rằng tất cả vật chất được tạo thành từ các nguyên tử.


Democritus người đầu tiên đưa ra khái niệm nguyên tử.

Mô hình sơ khai về nguyên tử
Mô hình nguyên tử là một thành phần của lý thuyết nguyên tử, nó phát biểu rằng nguyên tử được tạo thành từ các phần tử nhỏ hơn được gọi là các hạt hạ nguyên tử (tiếng Anh: subatomic particle). Khái niệm nguyên tử được Democritus đưa ra từ khoảng 450 năm trước Công nguyên. Tuy nhiên, các nhà khoa học cổ Hy Lạp không dựa trên các phương pháp thực nghiệm để xây dựng các lý thuyết mà dựa trên siêu hình học. Chính vì thế mà từ khi Democritus đưa ra khái niệm đó cho đến tận thế kỷ thứ 18 thì người ta mới có những bước tiến bộ đáng kể trong việc phát triển lý thuyết về nguyên tử. Trong hoá học, từ định luật về bảo toàn khối lượng, định luật tỷ lệ các chất trong các phản ứng hoá học, vào năm 1808, John Dalton (1766-1844) đã đưa ra lý thuyết nguyên tử của mình để giải thích các định luật trên. Lý thuyết của ông dựa trên năm giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất phát biểu rằng tất cả vật chất đều được tạo thành từ các nguyên tử. Giả thuyết thứ hai là các nguyên tử của cùng một nguyên tố sẽ có cùng một cấu trúc và tính chất. Giả thuyết thứ ba là các nguyên tử không thể bị phân chia, không thể được sinh ra hoặc mất đi. Giả thuyết thứ tư là các nguyên tử của các nguyên tố khác nhau kết hợp với nhau để tạo ra các hợp chất. Giả thuyết thứ năm là trong các phản ứng hoá học, các nguyên tử có thể kết hợp, phân tách hoặc tái sắp xếp lại. Lý thuyết của Dalton không chỉ giải thích các định luật trên mà còn là cơ sở để xây dựng các lý thuyết khác về nguyên tử sau này.

Cả Democritus và John Dalton đều cho rằng nguyên tử không có cấu trúc, tức là nguyên tử không được tạo thành từ các phần tử nhỏ hơn, chính vì thế người ta thường gọi các mô hình đó là mô hình sơ khai về nguyên tử. Cùng với sự phát triển của khoa học, các giả thuyết của John Dalton được xem xét lại và người ta thấy rằng không phải nguyên tử là hạt không có cấu trúc mà ngay cả nguyên tử của cùng một nguyên tố cũng có thể có tính chất khác nhau. Vào đầu thế kỷ thứ 20, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, nguyên tử được tạo thành từ ba loại hạt hạ nguyên tử, được gọi là proton, neutron và điện tử (electron). Proton và neutron nằm ở trung tâm nguyên tử và tạo nên hạt nhân của nguyên tử và điện tử chiếm khoảng không gian xung quanh hạt nhân đó. Số hạt hạ nguyên tử và sự sắp xếp của các hạt đó trong nguyên tử sẽ xác định tính chất hoá học của nguyên tố. Nguyên tử của cùng loại nguyên tố có thể có số neutron khác nhau (được gọi là các đồng vị) và số điện tử khác nhau (được gọi là ion). Số proton là yếu tố quyết định tính chất hoá học của nguyên tố.

Việc tìm ra điện tử
Điện tử (electron) là hạt hạ nguyên tử đầu tiên được tìm ra dựa vào tính chất điện của vật chất. Vào cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ thứ 19, người ta đã nghiên cứu ống chùm ca-tốt (tiếng Anh: cathode ray tube). Ống chùm ca-tốt là một ống thuỷ tinh, bên trong có chứa khí có áp suất thấp, một đầu của ống là cực dương, và đầu kia là cực âm. Hai cực đó được nối với một nguồn có điện thế khác nhau, nguồn này tạo ra một dòng hạt có thể đi qua khí bên trong ống. Người ta giả thiết rằng có một chùm hạt phát ra từ cực dương đi về phía cực âm và làm cho ống phát sáng. Chùm đó được gọi là chùm ca-tốt. Khi đặt một vật chướng ngại nhẹ trong ống thì vật đó bị di chuyển từ cực dương về cực âm, người ta kết luận hạt đó có khối lượng. Khi đặt một từ trường vào thì dòng hạt bị dịch chuyển, người ta kết luận hạt đó có điện tích.

Năm 1897, nhà vật lý người Anh Joseph John Thomson (1856–1940) đã kiểm chứng hiện tượng này bằng rất nhiều thí nghiệm khác nhau, ông đã đo được tỷ số giữa khối lượng của hạt và điện tích của nó bằng độ lệch hướng của chùm tia trong các từ trường và điện trường khác nhau. Thomson dùng rất nhiều các kim loại khác nhau làm cực dương và cực âm đồng thời thay đổi nhiều loại khí trong ống. Ông thấy rằng độ lệch của chùm tia có thể tiên đoán bằng công thức toán học. Thomson tìm thấy tỷ số điện tích/khối lượng là một hằng số không phụ thuộc vào việc ông dùng vật liệu gì. Ông kết luận rằng tất cả các chùm ca-tốt đều được tạo thành từ một loại hạt mà sau này nhà vật lý người Ái Nhĩ Lan George Johnstone Stoney đặt tên là "electron", vào năm 1891.

Năm 1909, nhà vật lý người Mỹ Robert Millikan (1868–1953) tìm ra khối lượng của một điện tử bằng một phần ngàn khối lượng của nguyên tử hydrogen bằng cách dùng thí nghiệm "giọt dầu" (tiếng Anh: Oil drop). Ông dùng tia X để làm cho các giọt dầu có điện tích âm, sau đó ông phun các giọt dầu này vào một dụng cụ sao cho các giọt dầu đó rơi vào khoảng không giữa hai tấm tích điện. Ông thay đổi điện tích của các tấm tích điện và xác định việc ảnh hưởng của sự thay đổi này đến quá trình rơi của các giọt dầu. Nhờ đó ông thấy điện tích của mỗi giọt dầu là một số nguyên lần điện tích của một đại lượng nào đó mà ông cho rằng đó là điện tích của một điện tử. Nhờ vào tỷ số điện tích/khối lượng của Thomson mà ông xác định được khối lượng của điện tử. Ông lý luận rằng chùm ca-tốt bị lệch đi đối với bất kỳ chất khí nào được dùng trong thí nghiệm nên ông cho rằng điện tử có mặt trong tất cả mọi nguyên tố. Do nguyên tử là trung hòa về điện, mà điện tử lại có điện tích âm nên cần phải có một điện tích dương tồn tại trong nguyên tử. Hơn nữa, vì khối lượng của điện tử rất nhỏ so với khối lượng của nguyên tử nên cần phải có một thực thể nào đó chịu trách nhiệm cho khối lượng lớn của nguyên tử. Đây là lần đầu tiên các kết quả thực nghiệm cho thấy nguyên tử có thể bị phân chia và đó là cơ sở cho mô hình nguyên tử.

Mô hình đầu tiên về nguyên tử
Dựa trên một số giả thuyết do Lord Kelvin (1824–1907) đưa ra và các kết quả của Millikan, năm 1902, Thomson đưa ra mô hình nguyên tử đầu tiên. Mô hình này cho rằng các điện tử mang điện tích âm được trộn lẫn trong vật chất mang điện tích dương, giống như các quả mận được trộn lẫn trong bánh, mô hình này còn được gọi là mô hình bánh mận (tiếng Anh: plum pudding). Nếu một điện tử bị xê dịch thì nó sẽ bị kéo về vị trí ban đầu. Điều này làm cho nguyên tử trung hòa về điện và ở trạng thái ổn định. Cùng khoảng thời gian đó, một nhà vật lý Nhật bản là Hantaro Nagoaka đưa ra mô hình Sao Thổ của ông vào năm 1904. Mô hình này cho rằng vật chất mang điện tích dương của nguyên tử giống như sao Thổ, còn các điện tử mang điện tích âm thì chuyển động giống như các vòng đai của sao Thổ. Mô hình này sẽ không bền vì điện tử sẽ mất năng lượng và rơi vào tâm của nguyên tử.

Mô hình của Thomson được thừa nhận hơn mô hình của Nagoaka nhưng nó cũng chỉ đứng vững được vài năm cho đến khi nhà vật lý người New Zealand là Ernest Rutherford (1871–1937) đưa ra mô hình nguyên tử của ông. Cùng với đồng nghiệp là Hans Geiger và Ernest Mardsen, Rutherford đã dùng một chùm hạt alpha bắn phá một tấm vàng. Hạt alpha là một hạt mang điện dương (+2), có khối lượng khoảng bốn lần khối lượng nguyên tử hydrogen. Họ trông đợi phần lớn hạt alpha sẽ xuyên qua tấm vàng mà không bị lệch hướng nhiều vì khối lượng và điện tích theo mô hình của Thomson phân bố đồng nhất trong nguyên tử. Nhưng kết quả không như trông đợi. Không những có nhiều hạt bị lệch một góc rất lớn so với hướng ban đầu mà còn có nhiều hạt bị bật ngược trở lại. Rutherford cho rằng các hạt điện tích dương alpha đã va chạm với một hạt điện tích dương khác rất cứng và chiếm một thể tích rất nhỏ. Ông gọi đó là hạt nhân. Hạt nhân có các điện tử quay xung quanh giống như các hành tinh quay xung quanh Mặt Trời, tuy thể tích hạt nhân rất nhỏ so với nguyên tử nhưng phần lớn khối lượng nguyên tử lại tập trung ở đó. Mô hình này còn có cái tên là mẫu hành tinh nguyên tử.

Mô hình này không được thừa nhận rộng rãi vì các nhà vật lý không hiểu tại sao một phần nhỏ của nguyên tử lại có thể mang hầu hết khối lượng của nó. Hơn nữa, mô hình này mâu thuẫn với bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học của Dmitri Mendeleev. Theo Mendeleev thì khối lượng nguyên tử của các nguyên tố quyết định tính chất của nguyên tố đó mà không phụ thuộc vào điện tích của hạt nhân. Mô hình này cũng không giải thích được tại sao điện tử không bị rơi vào hạt nhân.


Mô hình của Dalton, Thompson, Rutherford, Bohr và mô hình lượng tử về nguyên tử.

Việc tìm ra proton
Năm 1913, nhà vật lý người Anh Henry Gwyn Jeffreys Moseley (1887-1915) thấy rằng mỗi nguyên tố có một điện tích dương duy nhất tại hạt nhân của nguyên tử. Do đó hạt nhân phải chứa một loại hạt mang điện tích dương được gọi là proton. Số proton trong hạt nhân được gọi là nguyên tử số (tiếng Anh: atomic number). Moseley cho rằng bảng tuần hoàn nên được sắp xếp theo sự tăng dần của nguyên tử số thay cho việc sắp xếp theo sự tăng dần của nguyên tử lượng. Điều này làm cho bảng tuần hoàn thêm hoàn thiện và tiên đoán chính xác các nguyên tố sẽ được tìm ra.

Việc tìm ra neutron
Người ta thấy rằng nguyên tử lượng của hydrogen lớn hơn tổng khối lượng của một proton và một điện tử chính vì vậy phải tồn tại một loại hạt khác trong hạt nhân đóng góp vào khối lượng của nguyên tử. Vì nguyên tử trung hòa về điện nên hạt này phải không mang điện tích. Nhà vật lý người Pháp Irene Joliot-Curie (1897-1956) đã tiến hành một thí nghiệm, bà bắn phá một mẫu beryllium bằng chùm hạt alpha và làm phát ra một chùm hạt mới có khả năng thấm sâu vào vật chất nhiều hơn hạt alpha. Năm 1932, nhà vật lý người Anh James Chadwick (1891–1974) phát hiện ra rằng chùm hạt đó được tạo thành từ các hạt có cùng khối lượng với proton. Do điện từ trường không làm lệch hướng chuyển động của hạt này nên nó là một hạt trung hòa về điện và ông gọi nó là neutron. Và mô hình nguyên tử của Rutherford lúc đó là: proton và neutron tạo nên hạt nhân nguyên tử, điện tử chuyển động xung quanh và chiếm phần lớn thể tích của nguyên tử đó. Khối lượng của điện tử rất nhỏ so với khối lượng của hạt nhân nguyên tử. Đến lúc đó người ta vẫn không hiểu tại sao điện tử lại có thể ổn định trong nguyên tử mà không bị rơi vào hạt nhân.

Vì sao điện tử không rơi vào trong hạt nhân (Bunhia viết)
Đây chính là câu hỏi mà Niels Bohr đã không trả lời được vào năm 1912. Ngay cả sau khi khám phá ra tính chất sóng tự nhiên của điện tử và sự tương đồng với các sóng đứng trong các hệ cơ học, câu hỏi trên vẫn chưa có lời giải thích; điện tử vẫn là một hạt có điện tích âm và bị hút vào trong hạt nhân.

Câu trả lời hoàn thiện đến từ nguyên lý bất định của Werner Heisenberg, nó phát biểu rằng một hạt lượng tử như electron không thể nào xác định được vị trí và động lượng cùng một lúc. Để hiểu được sự hoạt động của nguyên lý này, ta giả sử đặt một điện tử vào trong một cái hộp nhỏ. Các bức thành hộp có độ lệch là δx, hộp này càng nhỏ, ta càng biết rõ vị trí của điện tử trong hộp hơn. Nhưng khi cái hộp nhỏ lại, sự bất định của động năng của electron tăng lên. Và kết quả của sự bất định này, vì điện tử sẽ có động năng lớn, nó có thể xuyên thủng thành hộp và thoát ra ngoài hộp.

Vùng gần hật nhân có thể được xem như một cái hộp phễu cực nhỏ, các bức thành của nó tương ứng với lực hút tĩnh điện, cái phải lớn hơn, nếu một electron bị chế ngự bên trong vùng này muốn thoát ra ngoài. Khi một điện tử bị kéo lại gần hạt nhân bởi lực hút tĩnh điện, vùng thể tích của nó bị giam giảm đi một cách nhanh chóng. Do vị trí của nó càng dễ xác định hơn, động năng của nó lúc này lại trở nên bất định, động năng của điện tử tăng lên một cách nhanh chóng, hơn là thế năng của nó để rơi vào hạt nhân, vì vậy nó bị bật lại tới quỹ đạo thấp nhất, tương ứng với n = 1.


Bản chất lưỡng tính
Năm 1900, nhà vật lý người Đức Max Planck (1858-1947) nghiên cứu sự phát xạ ánh sáng của một vật nóng. Ông giả thiết rằng sự phát xạ sóng điện từ theo từng lượng gián đoạn gọi là lượng tử năng lượng (tiếng Anh: quantum of energy), hay gọi tắt là lượng tử. Một lượng tử năng lượng của sóng điện từ tỷ lệ với tần số của nó với hệ số tỷ lệ được gọi là hằng số Plank. Năm 1905, khi giải thích cho hiệu ứng quang điện, Albert Einstein (1879-1955) cho rằng ánh sáng không chỉ được phát xạ theo từng lượng tử mà còn có thể bị hấp thụ theo từng lượng tử. Ánh sáng vừa có tính chất sóng và tính chất hạt. Mỗi hạt ánh sáng được gọi là một quang tử (photon), có năng lượng là một lượng tử ánh sáng. Giả thuyết của Einstein giúp giải thích sự phát xạ trong ống chùm ca-tốt.

Mô hình nguyên tử của Bohr
Năm 1913, nhà vật lý lý thuyết người Đan Mạch Niels Bohr (1885-1962) đưa ra mô hình bán cổ điển về nguyên tử hay còn gọi là mô hình nguyên tử của Bohr. Bohr thay đổi mô hình của Rutherford bằng cách giải thiết rằng các điện tử chuyển động xung quanh hạt nhân theo các quỹ đạo có năng lượng và bán kính cố định. Năng lượng của điện tử phụ thuộc vào bán kính quỹ đạo của điện tử đó. Điện tử nằm trên quỹ đạo có bán kính nhỏ nhất sẽ có năng lượng nhỏ nhất và đó là trạng thái năng lượng ổn định (tên khác: trạng thái ổn định, hay trạng thái cơ bản) nhất của điện tử, điện tử không thể nằm ở các trạng thái nào thấp hơn trạng thái đó. Tuy vậy, điện tử có thể có năng lượng cao hơn khi nó nằm trên các quỹ đạo xa hạt nhân hơn, lúc này điện tử nằm ở trạng thái kích thích.

Các mức năng lượng giống như các bậc thang, điện tử không thể ở giữa các mức đó được mà chỉ có thể ở trên một bậc thang nào đó. Khi chuyển từ mức năng lượng này sang mức năng lượng khác, điện tử có thể hấp thụ hoặc phát ra năng lượng. Năng lượng hấp thụ và phát xạ của một quang tử chính bằng sự sai khác năng lượng giữa các quỹ đạo. Bằng mô hình đó, Bohr có thể tính được năng lượng của điện tử trong nguyên tử hydrogen từ phổ phát xạ của nguyên tử đó. Tuy nhiên, mô hình nguyên tử của Bohr không thể giải thích tính chất của các nguyên tử có nhiều hơn một điện tử.

Mô hình nguyên tử hiện đại
Mô hình nguyên tử hiện đại là mô hình nguyên tử dựa trên cơ học lượng tử. Cơ học lượng tử được phát triển dựa trên sự đóng góp của nhiều người: Arthur Compton (1892-1962) tạo thí nghiệm nhiễu xạ tia X, Louis-Victor de Broglie (1892-1987) khai triển lý thuyết lưỡng tính sóng hạt, Erwin Schrödinger (1887-1961) đưa ra phương trình sóng, Werner Heisenberg (1901-1976) đưa ra nguyên lý bất định. Dựa trên cơ học lượng tử, người ta thay đổi mô hình nguyên tử của Bohr để xây dựng lên mô hình hiện đại về nguyên tử.

Quỹ đạo xác định trong mô hình Bohr được thay bằng một quỹ đạo xác suất, trên đó điện tử có thể được tìm thấy với một xác suất nhất định. Quỹ đạo khả dĩ hay là trạng thái khả dĩ của điện tử được đặc trưng bởi bốn số lượng tử. Sự sắp xếp của các điện tử trong nguyên tử tuân theo nguyên lý Aufbau, tức là các điện tử sẽ chiếm các trạng thái có năng lượng thấp nhất. Nhưng chúng phải thỏa mãn nguyên lý loại trừ Pauli nói rằng không thể có nhiều hơn hai điện tử trong nguyên tử ở các trạng thái năng lượng có bốn số lượng tử giống nhau. Sau đó chúng phải thỏa mãn quy tắc Hund phát biểu rằng các điện tử sẽ chiếm quỹ đạo sao cho có số quỹ đạo nhiều nhất đối với một điện tử. Quy tắc Hund được Friedrich Hund (1896-1997) đưa ra khi tính đến lực đẩy tĩnh điện giữa các điện tử trên một quỹ đạo.


Các hàm sóng quỹ đạo điện tử của nguyên tử hi-đrô. Các số lượng tử chính ở bên phải của mỗi hàng và số lượng tử phương vị được cho bởi các chữ cái ở đỉnh mỗi cột.

Đến đây có thể nói mô hình nguyên tử được chấp nhận ngày nay như sau:
* Nguyên tử được tạo thành từ một hạt nhân mang điện tích dương nằm ở tâm nguyên tử và các điện tử mang điện tích âm chuyển động xung quanh.
* Hạt nhân được tạo thành từ các hạt proton mang điện tích dương và các hạt neutron không mang điện. Mỗi nguyên tố chỉ có một số proton duy nhất nhưng có thể có số neutron khác nhau (các đồng vị). Hạt nhân của điện tử chiếm một vùng không gian rất nhỏ bé so với nguyên tử. Nếu coi hạt nhân là một quả cầu bán kính một mét đặt tại Hà Nội thì điện tử to bằng hạt cát ở gần nhất cũng cách đó 100 km, tức là ở Hải Phòng.
* Các điện tử chuyển động xung quanh hạt nhân trên các quỹ đạo. Sự sắp xếp của các quỹ đạo trong nguyên tử được gọi là cấu hình điện tử. Mỗi quỹ đạo được đặc trưng bởi ba số lượng tử là: số lượng tử chính, số lượng tử phương vị và số lượng tử từ. Trên mỗi quỹ đạo có thể có hai điện tử, nhưng hai điện tử này phải có một số lượng tử thứ tư là spin khác nhau.
* Các quỹ đạo của điện tử không phải là những đường cố định mà là sự phân bố xác suất mà các điện tử có thể có mặt.
* Các điện tử sẽ chiếm các quỹ đạo có năng lượng thấp nhất (các quỹ đạo gần hạt nhân nhất). Chỉ có các điện tử ở lớp ngoài cùng mới có khả năng tham gia để tạo các liên kết hóa học.

2005/05/24

Sơ lược tín ngưỡng Việt Nam

xem bài của Zạ Trạch đăng trên từ điển bách khoa Wikipedia

Tín ngưỡng Việt Nam còn gọi là tín ngưỡng truyền thống hay tín ngưỡng dân gian, là tín ngưỡng của các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Đặc điểm của tín ngưỡng Việt Nam

Tín ngưỡng Việt Nam giống như các bộ phận khác của văn hóa Việt Nam đều mang những đặc trưng của văn hóa nông nghiệp.
1. Tôn trọng và gắn bó mật thiết với thiên nhiên: thể hiện ở tín ngưỡng sùng bái tự nhiên
2. Hài hòa âm dương: thể hiện ở các đối tượng thờ cúng: Trời-Đất, Tiên-Rồng, ông đồng-bà đồng,...
3. Đề cao phụ nữ: thể hiện ở rất nhiều nữ thần như các Mẫu Tam phủ (Bà Trời-Đất-Nước), Mẫu Tứ phủ (Bà Mây-Mưa-Sấm-Chớp),...
4. Đa thần chứ không phải nhất thần như trong nhiều tôn giáo, đó là hệ quả của tính tổng hợp và linh hoạt của văn hóa.

Phân loại tín ngưỡng Việt Nam


Tín ngưỡng phồn thực

Thời xa xưa, để duy trì và phát triển sự sống, ở những vùng sinh sống bằng nghề nông cần phải có mùa màng tươi tốt và con người được sinh sôi nảy nở. Để làm được hai điều trên, những trí tuệ sắc sảo sẽ tìm các quy luật khoa học để lý giải hiện thực và họ đã xây dựng được triết lý âm dương, còn những trí tuệ bình dân thì xây dựng tín ngưỡng phồn thực (phồn = nhiều, thực = nảy nở). Tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam được thể hiện ở hai dạng: thờ cơ quan sinh dục của cả nam lẫn nữ, và thờ hành vi giao phối, khác biệt với một số nền văn hóa khác như Ấn Độ chẳng hạn, chỉ thờ sinh thực khí của nam mà thôi.

Thờ cơ sinh thực khí

Thờ sinh thực khí (sinh = đẻ, thực = nảy nở, khí = công cụ), là hình thái đơn giản của tín ngưỡng phồn thực. Nó phổ biến ở hầu hết các nền văn hóa nông nghiệp trên thế giới. Nhưng khác với hầu hết các nền văn hóa khác là chỉ thời sinh thực khí nam, tín ngưỡng phồn thực Việt Nam thờ sinh thực khí của nam lẫn nữ. Việc thờ sinh thực khí được tìm thấy ở trên các cột đá có niên đại hàng ngàn năm trước công nguyên. Các sinh thực khí còn được thấy rất nhiều ở thánh địa Mỹ Sơn vẫn còn nguyên dạng đến ngày nay. Ngoài ra nó còn được đưa vào các lễ hội, lễ hội ở làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) có tục rước cặp sinh thực khí bằng gỗ vào ngày 6 tháng giêng, sau đó chúng được đốt đi, lấy tro than chia cho mọi người để lấy may.

Thờ hành vi giao phối
Ngoài việc thờ sinh thực khí, tín ngưỡng Việt Nam còn thờ hành vi giao phối, đó là một đặc điểm thể hiện việc chú trọng đến các mối quan hệ của văn hóa nông nghiệp, nó đặc biệt phổ biến ở vùng Đông Nam Á.

Các hình nam nữ đang giao phối được khắc trên mặt trống đồng tìm được ở làng Đào Thịnh (Yên Bái), có niên đại 500 trước công nguyên. Ngoài hình tượng người, cả các loài động vật như cá sấu, gà, cóc,... cũng được khắc trên mặt trống đồng Hoàng Hạ (Hòa Bình).

Vào dịp hội đền Hùng, vùng đất tổ lưu truyền điệu múa tùng dí, thanh niên nam nữ cầm trong tay các vật biểu trưng cho sinh thực khí nam và nữ, cứ mối tiếng trống "tùng" thì họ lại "dí" hai vật đó lại với nhau. Phong tục "giã cối đón dâu"cũng là một biểu hiện cho tín ngưỡng phồn thực, chày và cối là biểu tượng cho sinh thực khí nam và nữ. Ngoài ra một số nơi còn vừa giã cối (rỗng) vừa hát giao duyên.

Trống đồng - biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực
Vai trò của tín ngưỡng phồn thực lớn tới mức ngay cả chiếc trống Đồng, một biểu tượng sức mạnh của quyền lực cũng là biểu tượng toàn diện của tín ngưỡng phồn thực.
* Hình dáng của trống đồng phát triển từ cối giã gạo
* Cách đánh trống theo lối cầm chày dài mà đâm lên mặt trống mô phỏng động tác giã gạo
* Tâm mặt trống là hình mặt trời biểu trưng cho sinh thực khí nam, xung quanh là hình lá có khe rãnh ở giữa biểu trưng cho sinh thực khí nữ
* Xung quanh mặt trống đồng có gắn tượng cóc, một biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực (xem thêm http://datrach.blogspot.com/2004_12_03_datrach_archive.html

Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên

Do là một đất nước nông nghiệp nên việc sùng bái tự nhiên là điều đễ hiểu. Điều đặc biệt của tín ngưỡng Việt Nam là một tín ngưỡng đa thần và âm tính (trọng tình cảm, trọng nữ giới). Các vị thần ở Việt Nam chủ yếu là nữ giới, do ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực như đã nói ở trên nên các vị thần đó không phải là các cô gái trẻ đẹp như trong một số tôn giáo, tín ngưỡng khác mà là các bà mẹ, các mẫu.

Thờ Tam phủ
Tam phủ là danh từ để chỉ ba vị thánh thần: Bà Trời (các tên khác: Thiên mụ, Bà Chúa Xứ, Mẫu Thượng Thiên), Bà Đất (tên khác: Bà Chúa Sông, Mẫu Thượng Ngàn), Bà Nước (tên khác: Bà Chúa Lạch, Mẫu Thoải), cai quản những lĩnh vực quan trọng nhất của một xã hội nông nghiệp. Về sau do ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nên có thêm Ngọc Hoàng, Thổ Công và Hà Bá. Thần mặt trời là vị thần quan trọng nhất, có mặt trên tất cả các trống đồng. Việc thờ trời ở Việt Nam có trước ở Trung Quốc.

Thờ Tứ phủ
Tứ phủ là danh từ để chỉ các bà thần Mây-Mưa-Sấm-Chớp, đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp. Sau này khi Phật giáo vào Việt Nam thì nhóm các nữ thần này được biến thành Tứ pháp với truyền thuyết về Man Nương Phật Mẫu. Tứ pháp gồm:
* Pháp Vân (thần mây) thờ ở chùa Bà Dâu
* Pháp Vũ (thần mưa) thờ ở chùa Bà Đậu
* Pháp Lôi (thần sấm) thờ ở chùa Bà Tướng
* Pháp Điện (thần chớp) thờ ở chùa Bà Dàn
Ảnh hưởng của Tứ Pháp ở Việt Nam rất lớn, nhiều lần triều đình nhà Lý phải rước tượng Pháp Vân về Thăng Long để cầu mưa.

Thờ động vật và thực vật
Khác với văn hóa phương tây là thờ các con vật có sức mạnh như hổ, sư tử, chim ưng,... tín ngưỡng Việt Nam thờ các con vật hiền lành hơn như trâu, cóc, chim, rắn, cá sấu,... các con vật đó gần gũi với cuộc sống của người dân của một xã hội nông nghiệp. Người dân còn đẩy các con vật lên thành mức biểu trưng như Tiên, Rồng. Theo truyền thuyết thì tổ tiên người Việt thuộc "họ Hồng Bàng" (có nghĩa là một loài chim nước lớn), thuộc giống "Rồng Tiên". Con rồng lần đầu tiên xuất hiện ở vùng Nam Á, sau đó mới được phổ biến ở Trung Quốc rồi đến các nước phương tây. Con rồng có đầy đủ đặc tính của lối tư duy nông nghiệp: tổng hợp của cá sấu, rắn; sinh ra ở dưới nước nhưng lại có thể bay lên trời mà không cần cánh; có thể vừa phun nước vừa phun lửa. Có rất nhiều địa danh Việt Nam có tên liên quan đến rồng như Thăng Long, Hàm Rồng,...
Thực vật được tôn sùng nhất là cây lúa, có Thần Lúa, Hồn Lúa, Mẹ Lúa,... đôi khi ta thấy còn thờ Thần Cây Đa, Cây Cau,...

Tín ngưỡng sùng bái con người
Ngoài phồn thực, tự nhiên, tín ngưỡng Việt Nam rất coi trọng con người.

Hồn và vía
Người Việt xưa cho rằng con người gồm phần thể xác và phần linh hồn. Một số dân tộc Đông Nam Á coi linh hồn gồm hồn và vía. Vía được hình dung như phần trung gian giữa thể xác và hồn. Dân tộc Việt cho rằng người có ba hồn, nam có bảy vía và nữ có chín vía. Ba hồn gồm Tinh (sự tinh anh trong nhận thức), Khí (năng lượng làm cho cơ thể hoạt động), Thần (thần thái của sự sống). Bảy vía ở đàn ông cai quản hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi, và miệng. Chín vía ở nữ giới cai quản bảy thứ như ở nam giới cộng thêm hai núm vú có vai trò quan trọng trong nuôi con. Cho nên nam có "ba hồn bảy vía" còn nữ có "ba hồn chín vía".
Hồn và vía dùng thể xác làm nơi trú ngụ, trường hợp hôn mê ở các mức độ khác nhau được giả thích là vía và hồn rời bỏ thể xác ở các mức độ khác nhau. Nếu phần thần của hồn mà rời khỏi thể xác thì người đó chết. Khi người chết, hồn nhẹ hơn sẽ bay sang kiếp khác còn vía nặng hơn sẽ bay là là mặt đất rồi tiêu tan.
Khi chết là hồn đi từ cõi dương gian đến cõi âm ty, cõi đó cũng được tưởng tượng có nhiều sông nước như ở cõi dương gian nên cần phải đi bằng thuyền nên nhiều nơi chôn người chết trong những chiếc thuyền.

Tổ tiên
Người Việt là người có tục thờ cúng tổ tiên phát triển nhất, nó gần như trở thành một tôn giáo Đạo ông bà.
"Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn sáng mắt cha ông không thờ." (Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên).
Người phương tây coi trọng ngày sinh thì người Việt coi trong ngày mất vì họ cho rằng người đã mất đi về nơi chín suối. Bàn thờ tổ boa giờ cũng được đặt ở nơi trang trọng nhất. Khi cúng lễ bao giờ cũng có nước (hoặc rượu) cùng với những đồ tế lễ khác như vàng mã. Sau khi cúng xong thì đem đốt vàng mã rồi đổ rượu hoặc nước lên đống tro tàn, khói bay lên trời, nước hòa với lửa thấm xuống đất, như thế tổ tiên mới nhận được. Hành động đó là sự hòa quện Nước-Lửa (âm dương) và Trời-Đất-Nước (tam tài) mang tính triết lý sâu sắc.

Thổ công
Thổ Công là một vị thần được thờ trong gia đình, một dạng của Mẹ Đất, là vị thần trông coi nhà cửa, định đoạn họa phúc cho một gia đình. Sống ở đâu thì có Thổ Công ở đó: "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá". Thổ Công là một trong ba vị Táo Quân xuất hiện trong truyện sự tích Táo Quân (http://e-cadao.com/Cotich/Luabep.htm) (hay Sự tích ba ông đầu rau). Người chồng mới là Thổ Công (trông coi việc bếp núc, còn gọi là vua bếp), người chồng cũ là Thổ Địa (trông coi việc nhà cửa), người vợ là Thổ Kỳ (trông coi việc mua bán).
Thổ Công là vị thần quan trọng nhất trong gia đình, tổ tiên có công sinh thành dưỡng dục nên được tôn vinh nhất. Bàn thờ tổ tiên ở giữa, vị trí quan trọng nhất, bàn thờ Thổ Công ở bên trái, quan trọng thứ hai. Nhưng khi cúng lễ tổ tiên, người ta đều phải khấn Thổ Công trước để xin phép cho tổ tiên về. Đó là truyền thống lãnh đạo tập thể kiểu như vua Lê chúa Trịnh.
Ở Nam bộ, Thổ Công được thay bằng Ông Địa và thờ ở dưới đất (đất phải về với đất), nhiều nơi còn gọi Ông Địa là Thần Tài (mọi thứ đều từ đất mà ra).

Thần Thành Hoàng
Ở phạm vi gia đình, người Việt thờ tổ tiên và Thổ Công, ở phạm vi làng xã, người Việt thờ thần Thành Hoàng (tên khác: Thành Hoàng làng). Giống như Thổ Công, thần Thành Hoàng cai quản và quyết định họa phúc của một làng. Không có làng nào ở Việt Nam mà không có thần Thành Hoàng.
Những người được thờ thường là những người có tên tuổi và địa vị, có công lao đối với làng đó. Tuy nhiên một số làng còn thờ những người lý lịch không "hay ho" gì như trẻ con, ăn xin, ăn mày,... nhưng họ chết vào giờ thiêng.

Vua tổ
Ở phạm vi quốc gia, người Việt thờ Vua tổ, đó là Vua Hùng. Nơi thờ phụng ở Phong Châu, Phú Thọ. Ngày giỗ tổ là ngày 10 tháng 3 âm lịch.

Tứ bất tử
Người Việt còn thờ bốn vị thánh bất tử, đó là Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh.
Tản Viên biểu hiện cho ước vọng chiến thắng thiên tai, lụt lội; Thánh Gióng biểu hiện cho tinh thần chống giặc ngoại xâm; Chử Đồng Tử biểu hiện cho cuộc sống phồn vinh về vật chất; Liễu Hạnh biểu hiện cho cuộc sống phồn vinh về tinh thần của người dân Việt Nam.

Tham khảo
*Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc Văn Hóa Việt Nam, NXB TPHCM 2001

2005/05/23

Sơ lược Đạo giáo Việt Nam

Đạo giáo Việt Nam là Đạo Giáo đã được bản địa hóa khi du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đạo giáo Việt Nam là một trong ba tôn giáo phổ biến nhất ở Việt Nam.

Lịch sử hình thành và phát triển của Đạo giáo Việt Nam
Đạo giáo thâm nhập vào Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ thứ 2. Đạo giáo có hai phái tu là nội tu và ngoại dưỡng, phái nội tu phổ biến ở Việt Nam hơn. Chử Đồng Tử được coi là ông tổ của Đạo giáo Việt Nam nên còn có tên Chử Tổ Đạo. Điều này thể hiện tính tổng hợp của các tôn giáo khi vào Việt Nam vì Chử Đồng Tử còn được coi là người đầu tiên tu thành Phật (xem thêm Phật giáo Việt Nam).

Đạo giáo đi vào Việt Nam, đặc biệt là Đạo giáo phù thủy, tìm thấy ngay rất nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng ma thuật của người dân Việt nên Đạo giáo ăn sâu vào người Việt rất dễ dàng. Trước đó người Việt đã từng sùng bái ma thuật, phù phép. Họ tin rằng những lá bùa, những câu thần chú có thể chữa được bệnh tật và trị được tà ma. Tương truyền Hùng Vương vì giỏi phù phép nên có uy tín thu thập được 15 bộ để lập nên nước Văn Lang. Dưới thời Bắc thuộc, Đạo giáo rất phát triển ở Việt Nam. Nhiều quan lại Trung Hoa sang Việt Nam cai trị đều thích phương thuật, ví dụ Cao Biền đời Đường từng "cưỡi diều tìm long mạch" để triệt nguồn nhân tài Việt Nam. Thế nên, nếu Nho giáo phải đến thời Lý mới được thừa nhận thì Đạo giáo hòa trộn với tín ngưỡng ma thuật đến mức không còn ranh giới.

Thời Bắc thuộc, Đạo giáo chỉ phổ biến trong dân gian, đến thời phong kiến độc lập, các nhà Đinh, Lê, Lý, Trần đều coi trong các đạo sỹ không kém các tăng sư, bên cạnh tăng quan còn có cả đạo quan.

Vào thế kỷ thứ 18, dưới đời vua Lê Thần Tông, xuất hiện một trường phái Đạo giáo Việt Nam có tên là Nội Đạo. Người sáng lập là Trần Toàn quê ở Thanh Hóa, đạo có đến 10 vạn tín đồ và Trần Toàn được coi là Thượng sư. Tương truyền vua Lê Thần Tông bị bệnh mọc lông cọp, Trần Toàn dùng thần chú mà chữa khỏi. Phái đạo này phát triển từ Thanh Hóa vào đến Nghệ An rồi lan ra bắc đến tận Hà Nội. Khoảng đầu những năm 1920, hành vạn tín đồ còn tập hợp ở Giảng Võ, Hà Nội để cúng lễ và chữa bệnh.

Ngày nay, Đạo giáo Việt Nam với tư cách là một tôn giáo không còn tồn tại nữa, tuy nhiên những ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội nhất là tại các cùng kém phát triển thì vẫn còn rất mạnh mẽ.

Đặc điểm của Đạo giáo Việt Nam
Tính tổng hợp
Tổng hợp là một đặc điểm quan trọng của tín ngưỡng truyền thống nên giống như các tôn giáo khác khi du nhập vào Việt Nam, Đạo giáo bị hòa trộn với tín ngưỡng truyền thống. Đối với Đạo giáo thì rất đặc biệt, Đạo giáo phù thủy rất tương đồng với tín ngưỡng ma thuật nên sự hòa trộn xảy ra rất mãnh liệt đến không thể phân biệt nổi đâu là Đại giáo, đâu là tín ngưỡng. Rất nhiều nhà nghiên cứu quy hết cho mọi tín ngưỡng Việt Nam là Đạo giáo, còn đối với người dân thích đồng bóng, bùa chú,... thì lại không biết Đạo giáo là gì.

Đạo giáo còn hòa trộn với các tôn giáo khác như Phật giáo. Chử Đồng Tử là người vừa tu đắc đạo thành Phật, vừa được coi là tổ sư của Đạo giáo Việt Nam. Đạo giáo còn ảnh hưởng đến các nhà Nho, các nhà nho khi gặp chuyện bất bình trong chốn quan trường thì hay lui về ẩn dật, tìm thú vui nơi thiên nhiên, sống cuộc sống an bình thanh thản, đó là các tu của Đạo giáo. Các nhà Nho còn tổ chức phụ tiên (cầu tiên) để hỏi trời đất về chuyện thời thế, tốt, xấu,... Nhiều đàn phụ tiên nổi tiếng như đền Ngọc Sơn (Hà Nội), đền Tản Viên (Sơn Tây), đền Đào Xá (Hưng Yên),... Nhiều nhò nho còn lập đàn phụng tiên ngay tại tư gia và nơi làm việc như Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền.

Tính linh hoạt và âm dương hòa hợp
Sau tính tổng hợp là tính linh hoạt và âm dương hòa hợp là những đặc tính của Đạo giáo Việt Nam. Đạo giáo phù thủy thờ các vị thần là Ngọc Hoàng Thượng Đế (Ngọc Hoàng), Thái Thượng Lão Quân (Lão Tử), Quan Thánh Đế (Quan Công, người Việt còn thờ các vị thánh của riêng mình. Câu tục ngữ, "Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ" là để chỉ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) và Bà Chúa Liễu (Liễu Hạnh, Thánh Mẫu). Việc thờ đức Thánh Trần với tam phủ (nữ thần trời-đất-nước) và tứ phủ (nữ thần mây-mưa-sấm-chớp) đi liền với tín ngưỡng đồng bóng. Người thờ đức Thánh Trần được gọi là ông đồng, người thờ tam phủ, tứ phủ thì gọi là bà đồng. Các ông đồng, bà đồng có thể cho người khác mượn thân xác của mình, trạng thái này gọi là lên đồng. Ngoài ra Đạo giáo Việt Nam còn thờ các vị thần khác như: Tam Bành, Độc Cước, Huyền Đàn, Ông Năm Dinh, Quan Lớn Tuần Tranh,...

Đạo giáo chủ trương không tham gia vào đời sống xã hội (xuất thế) nhưng khi vào đến Việt Nam thì Đạo giáo còn được dùng làm vũ khí chống áp bức (nhập thế). Ví dụ, đời Hồ Quý Ly, có Trần Đức Huy dùng pháp thuật để thu hút đông đảo người theo chống lại triều đình sau đó bị dẹp.

2005/05/21

Sơ lược Phật giáo Việt Nam

Phật giáo Việt Nam là Phật giáo được bản địa hóa khi du nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc vào Việt Nam, Phật giáo Việt Nam mang những đặc điểm khác biệt so với Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo của các nơi khác trên thế giới. Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Việt Nam. Số lượng tín đồ Phật tử xuất gia khoảng 3 triệu người, số thường xuyên đến chùa và tham gia các Phật sự khoảng 10 triệu người, số người chịu ảnh hưởng của Phật giáo lên đến vài chục triệu người.

Lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu công nguyên với truyện cổ tích Chử Đồng Tử học đạo của một nhà sư Ấn Độ. Luy Lâu (thuộc tỉnh Bắc Ninh) là trị sở của quận Giao Chỉ sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Các truyền thuyết về Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng với sự giảng đạo của Khâu Đà La (Ksudra) trong khoảng các năm 168-189.
Do tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (Bậc giác ngộ) được phiên âm trực tiếp thành Bụt, từ Bụt được dùng nhiều trong các truyện dân gian. Phật giáo Việt Nam lúc này mang màu sắc là Tiểu thừa, Bụt được coi như một vị thần chuyên cứu giúp người tốt, trừng phạt kẻ xấu. Sau này, vào thế kỷ thứ 4-5, do ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa đến từ Trung Quốc mà từ Bụt bị mất đi và được thay thế bởi từ Phật. Trong tiếng Hán, từ Buddha được phiên âm thành Phật đà, Phật đồ rồi được rút gọn thành Phật.
Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm, Lý Nam Đế (lên ngôi năm 544) còn có tên là Lý Phật Tử. Đến đời Lý, đời Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Đến đời Lê thì Nho giáo được coi là quốc giáo và Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái. Đến đầu thế kỷ 18, vua Quang Trung cố gắng chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn xây chùa, nhưng vì vua mất sớm nên việc này không có nhiều kết quả. Đến thế kỷ 20, mặc dù ảnh hưởng mạnh của quá trình âu hóa, Phật giáo Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ khởi đầu từ các đô thị miền Nam với các đóng góp quang trọng của các nhà sư Khánh Hòa và Thiện Chiếu.
Tóm lại, lịch sử Phật giáo Việt Nam trải qua bốn giai đoạn:
* từ đầu công nguyên đến hết thời kỳ Bắc thuộc là giai đoạn hình thành và phát triển rộng khắp;
* thời Đại Việt là giai đoạn cực thịnh;
* từ thời Lê đến cuối thế kỷ 19 là giai đoạn suy thoái;
* từ đầu thế kỷ 20 đến nay là giai đoạn phục hưng.

Đại thừa có ba tông phái được truyền vào Việt Nam là Thiền tông, Tịnh Độ tông, và Mật tông.
Thiền tông
Thiền tông là một tông phái Phật giáo do nhà sư Ấn Độ Bồ Đề Đạt Ma (Boddidharma) sáng lập ra ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ thứ 6. Thiền là cách gọi tắt của Thiền na (Dhyana), có nghĩa là Tĩnh tâm, chủ trương tập trung trí tuệ để suy nghĩ (thiền) nhằm tìm chân lý của đạo Phật. Cách tu theo Thiền tông đòi hỏi phải tập trung toàn bộ công sức và thời gian cộng với phải có khả năng trí tuệ. Yêu cầu đó chỉ có giai cấp trí thức và thượng lưu mới có được nên Thiền tông không dành cho giai cấp bình dân. Cũng vì thế mà lịch sử Thiền tông ở Việt Nam có lịch sử rõ ràng hơn cả.
Dòng thiền tu thứ nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam do nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) lập ra. Ông là người Ấn Độ, qua Trung Quốc rồi đến Việt Nam vào năm 580, tu tại chùa Pháp Vân (tên khác: chùa Dâu), thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh và truyền cho tổ thứ hai là Pháp Hiền. Dòng thiền này truyền được đến 19 thế hệ. Dòng thiền tu thứ hai do Vô Ngôn Thông, người Trung Quốc lập ra vào năm 820, tu tại chùa Kiến Sơn, thuộc Gia Lâm, Hà Nội. Dòng thiền này truyền được đến 17 đời. Dòng thiền thứ ba do Thảo Đường, người Trung Quốc, vốn là tù binh bị bắt tại Chiêm Thành và được vua Lý Thánh Tông giải phóng khỏi kiếp nô lệ và cho mở đạo tại chùa Khai Quốc vào năm 1069. Dòng thiền này truyền được đến 6 đời. Năm 1299, vua Trần Nhân Tông, dưới sự hướng dẫn của thiền sư Tuệ Trung Thượng Sỹ, xuất gia và lên tu ở núi Yên Tử, thuộc huyện Đông Triều, Quảng Ninh, thống nhất các thiền phái tồn tại trước đó và lập nên Thiền phái Trúc Lâm. Sau này, một số thiền phái khác xuất hiện như phái Tào Động thời Trịnh-Nguyễn, phái Liên Tôn vào thế kỷ 16-19 (có trụ sở tại chùa Bà Đá và chùa Liên Phái, Hà Nội), phái Liên Quán vào thế kỷ 18 (miền Trung), phái Lâm Tế thời nhà Nguyễn (miền Trung, và sau này phát triển ở miền Nam).
Thiền tông Việt Nam đề cao cái tâm. Phật ở tại tâm, tâm là niết bàn, là Phật. Trần Nhân Tông viết:
Nơi mình có ngọc, tìm đâu nữa
Trước cảnh vô tâm, ấy đạo Thiền.

Tịnh độ tông
Tịnh độ tông là một tông phái Phật giáo, chủ trương tu dựa trên sự giúp đỡ ở bên ngoài. Sự giúp đỡ bên ngoài này rất quan trọng đối với phần đông mọi người không đủ tự lực để tu. Phật Thích Ca Mầu Ni có lần thuyết giảng: "Một viên đá dù nhỏ đến mất mà ném xuống nước thì nó cũng chìm, nhưng nếu một hòn đá dù to đến mấy mà đặt trên bè thì nó cũng nổi". Ngược lại với Thiền tông là dành cho tầng lớp trí thức, thượng lưu, Tịnh Độ tông dành cho giới bình dân.
Trong Tịnh Độ tông, có tồn tại một cõi niết bàn cụ thể, một cõi niết bàn ở trần gian gọi là cõi Tịnh Độ (có nghĩa là yên tĩnh, trong sáng), được hình dung như cõi Cực Lạc, do đức Phật A Di Đà (phiên âm từ tiếng Phạn: Amitabha) cai quản. Việc tu hành được mở rộng ra những hành động đơn giản như đi thăm chùa, tụng danh Phật A Di Đà. Nhờ cách như vậy mà Tịnh Độ tông là tông phái phổ biến khắp cõi Việt Nam. Đi đến đâu ta cũng gặp người dân tụng niệm câu "Nam mô A Di Đà Phật" (có nghĩa là "Nguyện quy theo đức Phật A Di Đà"). Tượng Phật A Di Đà là tượng có mặt ở khắp mọi nơi và có mặt từ rất lâu đời.

Mật tông
Mật tông là một tông phái Phật giáo chủ trương sử dụng những phép tu huyền bí để nhanh chóng đạt đến giác ngộ. Tương truyền rằng Mật giáo do đức Phật Đại Nhật khởi xướng. Mật tông có hai bộ kinh cơ bản là kinh Đại Nhật và kinh Kim Cương.
Khi vào Việt Nam, Mật tông không tồn tại độc lập như một tông phái riêng mà nhanh chóng hòa lẫn vào dòng tín ngưỡng dân gian với những truyền thống cầu đồng, pháp thuật, yểm bùa, trị tà ma, chữa bệnh,...

Đặc điểm của Phật giáo Việt Nam
Phật giáo Việt Nam không phải là Phật giáo thuần khiết, Phật giáo được hòa trộn với các tín ngưỡng truyền thống và hòa trộn với các tôn giáo khác tạo nên một Phật giáo đặc biệt của riêng Việt Nam.

Tính tổng hợp
Tổng hợp là một trong những đặc tính của lối tư duy nông nghiệp, chính vì thế tổng hợp là đặc tính nổi bật nhất của Phật giáo Việt Nam.
* Tổng hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống
Phật giáo thờ Phật trong chùa, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam là thờ Thần trong miếu, bốn vị thần được thờ nhiều nhất là Tứ pháp: Mây-Mưa-Sấm-Chớp. Hai hệ thống này tổng hợp với nhau ở Việt Nam tạo nên các ngôi chùa tiền Phật, hậu thần. Đưa các vị Thần, Thánh, Mẫu, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc,... vào thờ trong chùa. Đa số các chùa còn để cả bia hậu, bát nhang cho các linh hồn đã khuất.
* Tổng hợp giữa các tông phái Phật giáo
Các tông phái Phật giáo Đại thừa sau khi du nhập vào Việt Nam thì bị trộn lẫn với nhau. Dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi pha trộn với Mật giáo. Nhiều vị thiền sư đời Lý như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không,... đều giỏi pháp thuật và có tài thần thông biến hóa. Thiền tông còn kết hợp với Tịnh Độ tông như là trong việc tụng niệm Phật A Di Đà và Bồ Tát.
Các điện thờ ở chùa miền Bắc có vô cùng phong phú các loại tượng Phật, bồ tát, la hán của các tông phái khác nhau. Các chùa miền Nam còn có xu hướng kết hợp Tiểu thừa với Đại thừa. Nhiều chùa mang hình thức Tiểu thừa (thờ Phật Thích Ca Mầu Ni, sư mặc áo vàng) nhưng lại theo giáo lý Đại thừa; bên cạnh Phật Thích Ca Mầu Ni còn có các tượng Phật nhỏ khác, bên cạnh áo vàng còn có áo nâu, áo lam.
Ngoài ra Phật giáo Việt Nam còn được hòa trộn với tất cả các tôn giáo khác để hình thành Đạo Cao Đài vào những năm 20 của thế kỷ 20 với quan điểm là Thiên nhân hợp nhất và Vạn giáo nhất lý.
* Tổng hợp giữa Phật giáo với các tôn giáo khác
Tín ngưỡng truyền thống đã tiếp nhận Phật giáo ngay từ đầu công nguyên. Sau đó Phật giáo cùng tín ngưỡng truyền thống tiếp nhận Đạo giáo. Rồi tất cả cùng tiếp nhận Nho giáo để làm nên Tam giáo đồng nguyên (cả ba tôn giáo có cùng một gốc) và Tam giáo đồng quy (cả ba tôn giáo có cùng một mục đích). Ba tôn giáo trợ giúp lẫn nhau: Nho giáo lo tổ chức xã hội, Đạo giáo lo thể xác con người, Phật giáo lo tâm linh, kiếp sau của con người. Trong nhiều thế kỷ, hình ảnh Tam giáo tổ sư với Thích Ca Mầu Ni ở giữa, Lão Tử ở bên trái, Khổng Tử ở bên phải đã in sâu vào tâm thức mọi người Việt.
Tính hài hòa âm dương
Sau tính tổng hợp, hài hòa âm dương là một trong những đặc tính khác của lối tư duy nông nghiệp, nó ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo Việt Nam làm cho Phật giáo Việt Nam có phần thiên về nữ tính.
Các vị Phật Ấn Độ xuất thân là nam giới, khi vào Việt Nam bị biến thành Phật ông - Phật bà. Ngay cả Phật Thích Ca Mầu Ni, có danh tánh hẳn hoi mà trong các bức tranh dân gian vẫn được coi là Phật bà. Phật Bà Quan Âm (biến thể của Quán Thế Âm Bồ Tát) là vị thần hộ mệnh của vùng Nam Á nên được gọi là Quan Âm Nam Hải. Ngoài ra người Việt còn có những vị Phật riêng của mình như Man Nương Phật Mẫu (tên khác: Phật Mẫu), Quan Âm Thị Kính (tên khác: Quan Âm Tống Tử), Quan Âm Diệu Thiện (tên khác: Phật Bà Chùa Hương, Bà chúa Ba).
Tính linh hoạt
Phật giáo Việt Nam còn có một đặc điểm là rất linh hoạt, tùy thuộc vào tình huống cụ thể mà người ta có thể tu, giải thích Phật giáo theo các cách khác nhau. Ví dụ cưới vợ cho sư để ông sư ở lại địa phương là một cách linh hoạt trong áp dụng các nguyên tắc Phật giáo vào đời sống. Hoặc các vị bồ tát, các vị hòa thượng đều được gọi chung là Phật: ví dụ Phật Bà Quan Âm (vốn là bồ tát), Phật Di Lặc (vốn là hòa thượng),... Ngoài ra Phật ở Việt Nam mang dáng dấp hiền hòa và dân dã: ông Bụt Ốc (Thích Ca tóc xoăn), ông Nhịn ăn mà mặc (chỉ Thích Ca Tuyết Sơn),... Trên đầu Phật Bà Chùa Hương còn có lọn tóc đuôi gà rất truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Phật giáo Hòa Hảo
Phật giáo Hòa Hảo hay còn gọi là Đạo Hòa Hảo là một tông phái Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939, lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Phật giáo Hòa Hảo thể hiện rất rõ tính tổng hợp và tính linh hoạt của Phật giáo Việt Nam. Số tín đồ Đạo Hòa Hảo ước tính khoảng 2 triệu người, tập chung chủ yếu ở đồng bằng Nam bộ.
Thực chất Phật giáo Hòa Hảo là tiếp nối của một tông phái Phật giáo có từ gần một trăm năm trước ở đồng bằng Nam bộ có tên là Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên) sáng lập vào năm 1849 tại vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang). Tiếp sau Phật Thày Tây An là Phật Trùm (còn gọi là Bổn Sư) rồi đến Huỳnh Phú Sổ. Thời kỳ Huỳnh Phú Sổ là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Phật giáo Hòa Hảo.
Giáo lý là sự kết hợp của Tịnh Độ tông với Đạo Ông Bà. Tôn chỉ là Học Phật Tu Nhân, noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết Tứ ân (ơn): cha mẹ, đất nước, tam bảo (Phật-Pháp-Tăng), nhân loại.
Cách thức tu hành của Phật giáo Hòa Hảo rất đơn giản là tu hành tại gia, không đúc tượng, không chấp nhận mê tín dị đoan, không dân cúng thực phẩm cho Phật, không có hàng giáo phẩm và không có tổ chức đạo.

Tham khảo
Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB TP HCM, 2001

2005/05/05

Vật liệu nano

Zạ Trạch
Liên hệ: zatrach@gmail.com

Khoa học ứng dụng đi về đâu?
Xu hướng của khoa học ứng dụng (bài này không đề cập đến khoa học cơ bản) hiện nay là tích hợp lại để cùng nghiên cứu các đối tượng nhỏ bé có kích thước tiến đến kích thước của nguyên tử. Hàng ngàn năm trước đây, kể từ khi các nhà bác học cổ Hy Lạp xác lập các nguyên tắc đầu tiên về khoa học (đúng hơn là siêu hình học), thì các ngành khoa học đều được tập trung thành một môn duy nhất đó là triết học, chính vì thế người ta gọi họ là nhà bác học vì họ biết hầu hết các vấn đề của khoa học. Đối tượng của khoa học lúc bất giờ là các vật thể vĩ mô. Cùng với thời gian, hiểu biết của con người càng tăng lên, và do đó, độ phức tạp cũng gia tăng, khoa học được phân ra theo các ngành khác nhau như toán học, vật lí, hóa học, sinh học,... để nghiên cứu các vật thể ở cấp độ lớn hơn micro mét. Sự phân chia đó đang kết thúc và khoa học một lần nữa lại tích hợp với nhau khi nghiên cứu các vật thể ở cấp độ nano mét. Nếu ta gọi sự phân chia theo các ngành toán, lí, hóa, sinh là phân chia theo chiều dọc, thì việc phân chia thành các ngành khoa học nano, công nghệ nano, khoa học vật liệu mới,... là phân chia theo chiều ngang. Điều này có thể được thấy thông qua các tạp chí khoa học có liên quan. Ví dụ các tạp chí nổi tiếng về vật lí như Physical Review có số đầu tiên từ năm 1901, hoặc tạp chí hóa học Journal of the American Chemical Society có số đầu tiên từ năm 1879, đó là các tạp chí có mặt rất lâu truyền tải các nghiên cứu khoa học sôi nổi nhất trong thế kỷ trước. Trong thời gian gần đây, người ta thấy xuất hiện một loạt các tạp chí không theo một ngành cụ thể nào mà tích hợp của rất nhiều ngành khác nhau như tạp chí uy tín Nano Letters có số đầu tiên từ năm 2001, tạp chí Nanotoday có số đầu tiên từ năm 2003. Chúng thể hiện xu hướng mới của khoa học đang phân chia lại theo chiều ngang tương tự như khoa học hàng ngàn năm về trước. Bài này xin giới thiệu sơ lược về đối tượng của khoa học và công nghệ nano, đó là vật liệu nano.

Vật liệu nano là gì?
Vật liệu nano (nano materials) là một trong những lĩnh vực nghiên cứu đỉnh cao sôi động nhất trong thời gian gần đây. Điều đó được thể hiện bằng số các công trình khoa học, số các bằng phát minh sáng chế (hình 1), số các công ty (hình 2) có liên quan đến khoa học, công nghệ nano gia tăng theo cấp số mũ. Con số ước tính về số tiền đầu tư vào lĩnh vực này lên đến 8,6 tỷ đô la vào năm 2004 [1]. Vậy thì tại sao vật liệu nano lại thu hút được nhiều đầu tư về tài chính và nhân lực đến vậy? Bài này sẽ điểm sơ qua về vật liệu nano, các phương pháp chế tạo, tính chất lí hóa, và các ứng dụng của chúng.


Số các công trình khoa học và bằng phát minh sáng chế tăng theo cấp số mũ theo thời gian.


Số các công ty có liên quan đến khoa học, công nghệ nano cũng tuân theo quy luật cấp số mũ.

Khi ta nói đến nano là nói đến một phần tỷ của cái gì đó, ví dụ, một nano giây là một khoảng thời gian bằng một phần tỷ của một giây. Còn nano mà chúng ta dùng ở đây có nghĩa là nano mét, một phần tỷ của một mét. Nói một cách rõ hơn là vật liệu chất rắn có kích thước nm vì yếu tố quan trọng nhất mà chúng ta sẽ làm việc là vật liệu ở trạng thái rắn. Vật liệu nano là một thuật ngữ rất phổ biến, tuy vậy không phải ai cũng có một khái niệm rõ ràng về thuật ngữ đó. Để hiểu rõ khái niệm vật liệu nano, chúng ta cần biết hai khái niệm có liên quan là khoa học nano (nanoscience) và công nghệ nano (nanotechnology). Theo Viện hàn lâm hoàng gia Anh quốc thì [2]:
Khoa học nano là ngành khoa học nghiên cứu về các hiện tượng và sự can thiệp (manipulation) vào vật liệu tại các quy mô nguyên tử, phân tử và đại phân tử. Tại các quy mô đó, tính chất của vật liệu khác hẳn với tính chất của chúng tại các quy mô lớn hơn.
Công nghệ nano là việc thiết kế, phân tích đặc trưng, chế tạo và ứng dụng các cấu trúc, thiết bị, và hệ thống bằng việc điều khiển hình dáng và kích thước trên quy mô nano mét.
Vật liệu nano là đối tượng của hai lĩnh vực là khoa học nano và công nghệ nano, nó liên kết hai lĩnh vực trên với nhau. Kích thước của vật liệu nano trải một khoảng khá rộng, từ vài nm đến vài trăm nm. Để có một con số dễ hình dung, nếu ta có một quả cầu có bán kính bằng quả bóng bàn thì thể tích đó đủ để làm ra rất nhiều hạt nano có kích thước 10 nm, nếu ta xếp các hạt đó thành một hàng dài kế tiếp nhau thì độ dài của chúng bằng một ngàn lần chu vi của trái đất.

Tại sao vật liệu nano lại có các tính chất thú vị?
Tính chất thú vị của vật liệu nano bắt nguồn từ kích thước của chúng rất nhỏ bé có thể so sánh với các kích thước tới hạn của nhiều tính chất hóa lí của vật liệu. Chỉ là vấn đề kích thước thôi thì không có gì đáng nói, điều đáng nói là kích thước của vật liệu nano đủ nhỏ để có thể so sánh với các kích thước tới hạn của một số tính chất (bảng 1). Vật liệu nano nằm giữa tính chất lượng tử của nguyên tử và tính chất khối của vật liệu. Đối với vật liệu khối, độ dài tới hạn của các tính chất rất nhỏ so với độ lớn của vật liệu, nhưng đối với vật liệu nano thì điều đó không đúng nên các tính chất khác lạ bắt đầu từ nguyên nhân này.
Chúng ta hãy lấy một ví dụ trong bảng 1. Vật liệu sắt từ được hình thành từ những đô men, trong lòng một đô men, các nguyên tử có từ tính sắp xếp song song với nhau nhưng lại không nhất thiết phải song song với mô men từ của nguyên tử ở một đô men khác. Giữa hai đô men có một vùng chuyển tiếp được gọi là vách đô men. Độ dày của vách đô men phụ thuộc vào bản chất của vật liệu mà có thể dày từ 10-100 nm. Nếu vật liệu tạo thành từ các hạt chỉ có kích thước bằng độ dày vách đô men thì sẽ có các tính chất khác hẳn với tính chất của vật liệu khối vì ảnh hưởng của các nguyên tử ở đô men này tác động lên nguyên tử ở đô men khác.

Bảng 1: độ dài tới hạn của một số tính chất của vật liệu [3]


Tính chất

Độ dài tới hạn (nm)

Điện

Bước sóng điện tử

Quãng đường tự do trung bình

Hiệu ứng đường ngầm

10-100

1-100

1-10

Từ

Vách đô men

Quãng đường tán xạ spin

10-100

1-100

Quang

Hố lượng tử

Độ dài suy giảm

Độ sâu bề mặt kim loại

1-100

10-100

10-100

Siêu dẫn

Độ dài liên kết cặp Cooper

Độ thẩm thấu Meisner

0.1-100

1-100

Tương tác bất định xứ

Biên hạt

Bán kính khởi động đứt vỡ

Sai hỏng mầm

Độ nhăn bề mặt

1-1000

1-10

1-100

0.1-10

1-10

Xúc tác

Hình học topo bề mặt

1-10

Siêu phân tử

Độ dài Kuhn

Cấu trúc nhị cấp

Cấu trúc tam cấp

1-100

1-10

10-1000

Miễn dịch

Nhận biết phân tử

1-10



Chế tạo vật liệu nano như thế nào?[4]
Các vật liệu nano có thể thu được bằng bốn phương pháp phổ biến, mỗi phương pháp đều có những điểm mạnh và điểm yếu, một số phương pháp chỉ có thể được áp dụng với một số vật liệu nhất định mà thôi.
Phương pháp hóa ướt (wet chemical)
Bao gồm các phương pháp chế tạo vật liệu dùng trong hóa keo (colloidal chemistry), phương pháp thủy nhiệt, sol-gel, và kết tủa. Theo phương pháp này, các dung dịch chứa ion khác nhau được trộn với nhau theo một tỷ phần thích hợp, dưới tác động của nhiệt độ, áp suất mà các vật liệu nano được kết tủa từ dung dịch. Sau các quá trình lọc, sấy khô, ta thu được các vật liệu nano.
Ưu điểm của phương pháp hóa ướt là các vật liệu có thể chế tạo được rất đa dạng, chúng có thể là vật liệu vô cơ, hữu cơ, kim loại. Đặc điểm của phương pháp này là rẻ tiền và có thể chế tạo được một khối lượng lớn vật liệu. Nhưng nó cũng có nhược điểm là các hợp chất có liên kết với phân tử nước có thể là một khó khăn, phương pháp sol-gel thì không có hiệu suất cao.
Phương pháp cơ học (mechanical)
Bao gồm các phương pháp tán, nghiền, hợp kim cơ học. Theo phương pháp này, vật liệu ở dạng bột được nghiền đến kích thước nhỏ hơn. Ngày nay, các máy nghiền thường dùng là máy nghiền kiểu hành tinh hay máy nghiền quay. Phương pháp cơ học có ưu điểm là đơn giản, dụng cụ chế tạo không đắt tiền và có thể chế tạo với một lượng lớn vật liệu. Tuy nhiên nó lại có nhược điểm là các hạt bị kết tụ với nhau, phân bố kích thước hạt không đồng nhất, dễ bị nhiễm bẩn từ các dụng cụ chế tạo và thường khó có thể đạt được hạt có kích thước nhỏ. Phương pháp này thường được dùng để tạo vật liệu không phải là hữu cơ như là kim loại.
Phương pháp bốc bay
Gồm các phương pháp quang khắc (lithography), bốc bay trong chân không (vacuum deposition) vật lí, hóa học. Các phương pháp này áp dụng hiệu quả để chế tạo màng mỏng hoặc lớp bao phủ bề mặt tuy vậy người ta cũng có thể dùng nó để chế tạo hạt nano bằng cách cạo vật liệu từ đế. Tuy nhiên phương pháp này không hiệu quả lắm để có thể chế tạo ở quy mô thương mại.
Phương pháp hình thành từ pha khí (gas-phase)
Gồm các phương pháp nhiệt phân (flame pyrolysis), nổ điện (electro-explosion), đốt laser (laser ablation), bốc bay nhiệt độ cao, plasma. Nguyên tắc của các phương pháp này là hình thành vật liệu nano từ pha khí. Nhiệt phân là phương pháp có từ rất lâu, được dùng để tạo các vật liệu đơn giản như carbon, silicon. Phương pháp đốt laser thì có thể tạo được nhiều loại vật liệu nhưng lại chỉ giới hạn trong phòng thí nghiệm vì hiệu suất của chúng thấp. Phương pháp plasma một chiều và xoay chiều có thể dùng để tạo rất nhiều vật liệu khác nhau nhưng lại không thích hợp để tạo vật liệu hữu cơ vì nhiệt độ của nó có thể đến 9000 C.
Phương pháp hình thành từ pha khí dùng chủ yếu để tạo lồng carbon (fullerene) hoặc ống carbon, rất nhiều các công ty dùng phương pháp này để chế tạo mang tính thương mại.

Trên thị trường vật liệu nano phân bố thế nào?
Bảng 2 cho biết số loại sản phẩm vật liệu nano và thị trường mà các công ty vật liệu nano nhắm tới [4].

Loại sản phẩm

Số lượng

Thị trường

Phần trăm

Hạt nano

Ống nano

Vật liệu xốp nano

Lồng nano

Chấm lượng tử

Vật liệu cấu trúc nano

Sợi nano

Hạt chứa hạt nano (capsule)

Dây nano

160

55

22

21

19

16

9

8

6

Y/dược

Hóa chất và vật liệu cao cấp

CN thông tin, viễn thông

Năng lượng

Tự động hóa

Hàng không vũ trụ

Dệt

Nông nghiệp

30

29

21

10

5

2

2

1


Y dược là thị trường lớn nhất tiêu thụ vật liệu nano, các ứng dụng hạt nano để dẫn truyền thuốc (drug delivery) đến một vị trí nào đó trên cơ thể là một trong những ví dụ về ứng dụng của hạt nano. Trong ứng dụng này, thuốc được liên kết với hạt nano có tính chất từ, bằng cách điều khiển từ trường để hạt nano cố định ở một vị trí trong một thời gian đủ dài để thuốc có thể khuyếch tán vào các cơ quan mong muốn.

Vật liệu từ nano ứng dụng trong sinh học như thế nào?

Như trên đã nói, vật liệu nano chỉ có tính chất thú vị khi kích thước của nó so sánh được với các độ dài tới hạn của tính chất và đối tượng ta nghiên cứu. Vật liệu nano có khả năng ứng dụng trong sinh học vì kích thước của nano so sánh được với kích thước của tế bào (10-100 um), virus (20-450 nm), protein (5-50 nm), gen (2 nm rộng và 10-100 nm chiều dài). Với kích thước nhỏ bé, cộng với việc “ngụy trang” giống như các thực thể sinh học khác và có thể thâm nhập vào các tế bào hoặc virus. Ứng dụng của vật liệu từ nano trong sinh học thì có rất nhiều [5], bài này chỉ đề cập đến những ứng dụng đang được nghiên cứu sôi nổi và có triển vọng phát triển đó là phân tách tế bào (magnetic cell separation), dẫn truyền thuốc (drug delivery), thân nhiệt cao cục bộ (hyperthermia), tăng độ sắc nét hình ảnh trong cộng hưởng từ hạt nhân (MRI contrast enhancement). Vật liệu nano dùng trong các trường hợp này là các hạt nano.
Phân tách tế bào
Trong sinh dược học, đôi khi người ta cần phải phân tách một loại tế bào đặc biệt nào đó ra khỏi các tế bào khác. Hạt từ nano có tính tương hợp sinh học (biocompatible) [6] được dùng để làm điều đó. Quá trình này gồm hai giai đoạn: dán nhãn cho tế bào (labelling) bằng các hạt nano từ; và phân tách các tế bào được dán nhãn bằng các dụng cụ phân tách. Các hạt nano từ được phủ bởi một loại hóa chất, thường được dùng là chất hoạt hóa bề mặt (surfactant) để làm tăng độ tương hợp sinh học và làm tăng khả năng ổn định trong dung dịch của hạt nano. Cơ chế dán nhãn tế bào giống như cơ chế mà các kháng thể nhận ra các kháng nguyên trong cơ thể. Ví dụ nếu ta phủ một lớp hóa chất miễn dịch đặc hiệu bên ngoài hạt nano thì chúng có thể bám vào các tế bào máu, các tế bào ung thư, vi khuẩn hoặc các thể golgi. Để phân tách các tế bào được đánh dấu, người ta dùng một dụng cụ tạo ra gradient từ trường bằng cách đặt một thanh nam châm chẳng hạn để hút các hạt nano từ đang liên kết với các tế bào và bằng cách đó, các tế bào được tách khỏi các tế bào khác không được đánh dấu.

Tài liệu tham khảo
1. The Nanotech Report 2004 Investment Overview and Market Research for Nanotechnology (3rd edition) Lux Research Inc., New York (2004).
2. Nanoscience and nanotechnologies: opportunities and uncertainties, The Royal Society & The Royal Academy of Engineering, London (2004).
3. Murday, J. S., AMPTIAC Newsletter 6 (1), 5 (2002).
4. Pitkethly, M. J., "Nanomaterials – the driving force." Nanotoday 7(12): 20 (2004).
5. Pankhurst, Q.A., J. Connolly, S.K. Jones, and J. Dobson, “Applications of magnetic nanoparticles in biomedicine.” J. Phys. D: Appl. Phys., 36: R167 (2004).
6. http://datrach.blogspot.com/2005/02/vt-liu-t-nano-trong-sinh-hc.html.